Mô-tip Ugarit Trong Thi Thiên (Daniel Hoàng)

    Một vài Mô-tip Thần Thoại Ugarit Trong Thi Thiên (Daniel Hoàng).

Tín ngưỡng đa thần không xa lạ gì với người Việt chúng ta. Về thần thánh, Việt Nam ngoài nhân thần còn có thần Văn, thần Sống, thần Chết, thần Trụ Trời, thần Sông, thần Núi, thần Mặt Trời, thần Mặt Trăng, thần Tài, thần Bếp, thần Rắn, thần Rồng, thần Thuồng Luồng, Thành Hoàng, và nhiều thần khác.
     Nếu luận về thần thánh thì phải nói về chỗ ở của thần. Chỗ ở của thần phải đầy nét đẹp thiên nhiên, hùng vĩ, kỳ bí, hẻo lánh, hoang vu, ẩn khuất không người ở, đường sá hiểm trở khó cho người có thể qua lại dễ dàng: đó là núi. Núi là một chỗ ở thích hợp được chọn làm chỗ thờ cúng các thần. Thông thường những ngọn núi dân địa phương chọn làm nơi thờ cúng các thần thánh vì truyền thuyết kỳ thoại của nó. Về núi và sơn thần thì nước ta có núi Ba Vì, núi Bà Đen, núi Cấm, núi Tam Đảo, núi Chứa Chan, núi Yên Tử, núi Hồng Lĩnh, và nhiều ngọn núi khác được nhắc đến trong tín ngưỡng thờ cúng sơn thần người Việt. Không chỉ riêng người Việt, tục thờ cúng sơn thần đã có rất lâu đời trong tín ngưỡng của rất nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới (ví dụ: Tây Tạng, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Âu Châu, Nam Mỹ, và trong tín ngưỡng của rất nhiều dân tộc khác).

     Hoa Kỳ cũng có những ngọn núi mang truyền thuyết thần thoại xa xưa về sự thờ phượng các thần của các bộ lạc người Mỹ bản xứ như núi Mount Shasta, Tecate Peak, và nhiều ngọn núi khác ở Mỹ. Vậy khái niệm về núi và thần thánh thường đi chung với nhau trong tín ngưỡng thờ cúng sơn thần trong rất nhiều nền văn hóa khác nhau chứ không riêng gì Việt Nam.
     Đi ngược dòng đến thời cổ đại của Trung Đông, theo truyền thuyết địa phương lưu truyền lại trong các bản văn khắc/viết trên các phiến đất sét thì vùng Trung Đông cổ như Ugarit và các miền lân lận cũng có tín ngưỡng thờ núi thánh và sơn thần. Theo truyền thuyết địa phương Ugarit, có nhiều ngọn núi được xem là nơi trú ngụ của các thần: thần Ên ở núi ks và thần Ba-anh ở pn (Cuneiform Alphabetic Texts, viết tắt CAT; CAT 1.100.9), thần A-nat và thần At-tat ở ‘inbb (CAT 1.100.20), thần Da-gan ở ttl (Tuttul, CAT 1.100.15), thần Rê-shép ở bbt; thần At-tat ở mr (Mari, CAT 1.100.78), thần ở Ya-rih at Irgt (CAT 1.100.26), và thần Ba-anh ở núi Xa-phôn với các thần khác thấp hơn mình (CAT 1.47.1).
     Luận về thần và núi thì học viên kinh văn Cựu Ước chắc không lạ gì những ngọn núi quen thuộc như Tha-bô, Hẹt-môn, Xa-phôn, Si-ôn, Si-nai. Một trong những mô-tip nói về núi tìm thấy trong Thi Thiên 48. Thi Thiên 48 là bài thánh ca nói về việc Yahweh chiến thắng và giải cứu kinh thành Giê-ru-sa-lem/Si-ôn. Bài thơ dùng mô-tip thần thoại Ugarit để nói về Si-ôn và sự tể trị của Yahweh. Chức năng của bài thơ phản ánh lễ tưởng niệm chiến thắng của Yahweh (đây không ám chỉ trận chiến sẽ xảy ra trong tương lai, mạt thế). Mục đích của bài thơ là ngợi khen sự vĩ đại của Giê-ru-sa-lem/Si-ôn, kinh thành của Yahweh. Trọng tâm của bài thơ là ngợi khen Yahweh và núi thánh Si-ôn, là chỗ Vua cao cả Yahweh tể trị. Cú pháp trong hai câu đầu của bài thơ rất phức tạp. Thi Thiên 48:1−2 (Hebrew 48:2−3) gồm có 7 hàng thơ, cấu kết bằng 9 cụm từ (prepositional phrase, construct phrase, adjectival phrase, appositional phrase) và một phân từ (participle); cho nên cú pháp của các cụm từ này phải được phân tích để biết cụm từ nào đi chung với cụm từ nào để kết hợp thành mệnh đề và bổ nghĩa cho nhau. Hơn nữa, cách chia câu của MT trong Thi Thiên 48:1−2 (Heb 48:2−3) không hợp lý cho nên gây trở ngại cho việc dịch giải. Các bản Việt ngữ phiên dịch Thi Thiên 48:1−2 như sau (chữ đậm là của tôi):

CHÚA thật vĩ đại thay!
Ngài đáng được ca ngợi hết lòng trong thành của Ðức Chúa Trời chúng ta và trên núi thánh của Ngài. (câu này không đúng cú pháp Hê-bơ-rơ của MT)
2 Núi Si-ôn nổi bật ở phương bắc thật đẹp đẽ thay; (núi Si-ôn không nằm ở phương Bắc).
Ðó là niềm vui của cả thế giới, là kinh đô của Vua cao cả. (không đúng cú pháp) (BD 2011)

1Đức Giê-hô-va thật vĩ đại, rất đáng được ca ngợi
Trong thành của Đức Chúa Trời chúng ta
Và trên núi thánh Ngài.
2Núi Si-ôn cao vút và đẹp đẽ (Si-ôn là ngọn đồi rất thấp so với các núi lân cận)
Là niềm vui của cả trái đất. (không đúng cú pháp)
Là đỉnh cao nhất của Xa-phôn, (không đúng cú pháp)
Là thành của Vua vĩ đại. (BHĐ) (không đúng cú pháp)

CHÚA thật vĩ đại, rất đáng được ca ngợi trong thành của Đức Chúa Trời chúng ta và trên núi thánh Ngài. (không đúng cú pháp) 2 Núi thánh Ngài cao vút đẹp đẽ, là niềm vui cho toàn trái đất. Núi Si-ôn, đỉnh cao của Sa-phan, là thành đô của vua lớn. (BDM) (không đúng cú pháp, vị trí từ vựng)

Đức Giê-hô-va là lớn, rất đáng được ngợi khen trong thành của Đức Chúa Trời chúng ta, và tại trên núi thánh Ngài. 2 Núi Si-ôn đẹp đẽ nổi lên về phía bắc, (núi Si-ôn không nằm ở phương Bắc; không đúng từ vựng và địa dư) là kinh đô của Vua cao cả, và là sự vui vẻ của cả thế gian. (BTT) (không đúng thứ tự câu).

     Thi Thiên 48:1−2 (Heb 48:2−3) nên được phân tích cú pháp và phiên dịch như sau:

גָּ֘ד֤וֹל יְהוָ֣ה
וּמְהֻלָּ֣ל מְאֹ֑ד
בְּעִ֥יר אֱ֝לֹהֵ֗ינוּ

הַר־קָדְשֽׁוֹ׃ יְפֵ֥ה נוֹף֮
מְשׂ֪וֹשׂ כָּל־הָ֫אָ֥רֶץ

הַר־צִ֭יּוֹן יַרְכְּתֵ֣י צָפ֑וֹן

קִ֝רְיַ֗ת מֶ֣לֶךְ רָֽב׃

Yahweh thật là vĩ đại (mệnh đề chính, trong Hê bơ rơ không có động từ),
và rất đáng được ca ngợi (mệnh đề phụ),
trong thành của Đức Chúa Trời chúng ta (cụm giới từ/prep. phr.).

Đồi thánh của Ngài (chủ ngữ), điểm cao đẹp đẽ (đồng vị với “Đồi thánh”),
là niềm vui của cả trái đất (vị ngữ, Hê bơ rơ. không có động từ).

Đồi Si-ôn (chủ ngữ), đỉnh cao Xa-phôn (đồng vị với “Si-ôn”),
là thành của Vua vĩ đại (vị ngữ, Hê bơ rơ không có động từ).

     BHS đặt cụm từיְפֵ֥ה נוֹף֮ (điểm cao đẹp đẽ) đi cùng với הַר־קָדְשֽׁוֹ (Núi thánh của Ngài). Theo BHS thì cụm từ “Núi thánh của Ngài” thì thích hợp hơn nếu nó nằm chung với Thi Thiên 48:3 thay vì Thi Thiên 48:2. Nhận xét về cú pháp, mấy câu thơ này có một sự tương ứng về từ ngữ và cú pháp ABC//A’B’C’ rất đối xứng và cân bằng:

A: Đồi thánh của Ngài (chủ ngữ), B: điểm cao đẹp đẽ (đồng vị với “đồi thánh”),
C: là niềm vui của cả trái đất (vị ngữ, không có động từ).

A’: Đồi Si-ôn (chủ ngữ), B’: đỉnh cao Xa-phôn (đồng vị với “Si-ôn”)
C’: là thành của Vua vĩ đại (vị ngữ, không có động từ).

    Khác với đa số dân Tây phương và Trung Hoa dùng hướng Bắc làm tiêu chuẩn định hướng, một số nước Đông phương dùng hướng Đông, hướng mặt trời mọc để định hướng. Việt từ lúc vỡ lòng đã quen thuộc với câu “Mặt trời mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây.”
     Như đã khắc sâu trong trong tư duy người Việt, từ khi còn bé đã học nhìn đối diện đất nước trên biển Đông và biết Bắc Kinh không phải là cánh tay mặt của mình, nhưng là hướng của cánh tay trái. Người Do Thái cổ cũng dùng biển và mặt trời để định hướng. Người Do Thái đứng đối diện mặt trời mọc hướng Đông (מוֹצָא forthward), sau lưng là biển Địa Trung Hải ở hướng Tây (מַעֲרָב westward), hướng tay phải là hướng Nam (ימין hoặc נגב “Negeb”; Negeb ở hướng Nam), và hướng tay trái là Bắc “Xa-phôn” (צפֹון hoặc שְּׂמֹאל). Tương tự, Xa-phôn cũng vừa chỉ hướng “Bắc” và địa điểm: núi Xa-phôn. Địa danh Xa-phôn giải thích sự khác biệt trong các bản dịch Việt và Anh ngữ. Như Đông Kinh (Tokyo) của Nhật bản vừa chỉ địa điểm và chỉ hướng, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc cũng vừa chỉ địa điểm vừa chỉ hướng Bắc.
     Nhưng trong Thi Thiên 48, sự khác biệt về ý nghĩa thần học giữa “Xa-phôn” và “hướng Bắc” thì rất xa. Theo chuyện thần thoại của Ugarit, sau khi đánh bại hải thần Yam, thần Ba-anh vào đền thờ của mình trên đỉnh Xa-phôn, đỉnh núi của các thần. Ngọn núi nầy nằm ở phía Bắc thành phố cổ đại Ugarit (Ras Shamra) ở cửa sông Orontes (hiện nay tên là núi Jebel Aqraak nằm ở khu vực gần biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria). Xa-phôn (צפון) là ngọn núi cao ở hướng Bắc là nơi Ba-anh cư trú theo huyền thoại Ugaritic.
    Tác giả Thi Thiên 48 sử dụng các mô-tip thần thoại của Ugarit về Ba-anh và Xa-phôn, nơi Ba-anh cư ngụ, để gạt bỏ thần Ba-anh và nói lên rằng Yahwehvà núi thánh Si-ôn/đền thánh Giê-ru-sa-lem/kinh thành của dân Do Thái là nơi Yahwehcư ngụ; núi thánh/kinh thành này đẹp đẽ như đỉnh cao nhất của Sa-phôn vậy. Tương tự, “Vua” thì không phải là vua Ba-anh ở núi Xa-phôn theo thần thoại Ugarit, nhưng mà là “Vua vĩ đại” Giê-hô-va ở núi thánh Si-ôn. Núi thánh Si-ôn, thành của Vua vĩ đại Giê-hô-va (thay vì chỉ là “đồi” Si-ôn) thì cao đẹp như là đỉnh cao Xa-phôn, 1.800 mét.
     Người đọc cũng tìm thấy mô-tip thần thoại Ugarit trong Thi Thiên 89. Một ví dụ khác trong Thi Thiên về phương hướng và các núi thần thánh, Thi thiên 89:12:

צָפֹ֣ון וְ֭יָמִין אַתָּ֣ה בְרָאתָ֑ם
תָּבֹ֥ור וְ֝חֶרְמֹ֗ון בְּשִׁמְךָ֥ יְרַנֵּֽנוּ׃

Ngài đã lập ra phương Bắc và phương Nam;
Núi Tha-bô và Núi Hẹt-môn đều vui mừng ca ngợi danh Ngài. (BD 2011)
τὸν βορρᾶν καὶ θαλάσσας σὺ ἔκτισας, Θαβωρ καὶ Ερμων ἐν τῷ ὀνόματί σου ἀγαλλιάσονται (LXX)
Phương Bắc và biển cũng bởi Ngài dựng nên; Tha-bô và Hẹt-môn đều vui mừng vì danh Ngài.

     Tại sao có sự khác biệt giữa MT, Vulgate và LXX? MT chép ימין (hướng Nam /hướng tay mặt) nhưng LLX lại chép là θαλάσσας (“các biển” số nhiều), và Vulgate cũng chép là mare (biển). Sự khác biệt này xảy ra có thể vì từ ימין trong bản văn gốc mà người sao chép MT dùng thì có thể vì bị hư hoại hoặc không được viết xuống rõ ràng, cho nên người sao chép không thể đọc được. Từ ימים (biển [số nhiều]) và ימין (hướng Nam/hướng tay mặt) chỉ khác nhau ở ם “m” và ן “n” ở cuối chữ. Tuy nhiên, điều mà chúng ta không biết là từ đó bị hư hỏng như thế nào, ở mẫu tự cuối từ hay cả nguyên từ bị hư mục. Có lẽ vì thế cho nên cho nên O. Eisfeltd đề xuất rằng từ hư hoại có thể đọc là אמנה (Amanah) ngọn núi Nur hôm nay (cũng là một núi thần thoại). Cùng một quan điểm, Jonathan Lipnick cho rằng ימין có lẽ núi Yamin, là tên địa danh của núi Amanah. Othmar Keel cho rằng bốn ngọn núi nổi tiếng trong Kinh Thánh: Bắc/Xa-phôn, Nam/Si-nai (Keel cho rằng Si-nai nằm hướng Nam, là địa danh của Si-nai), Tha-bô và Hẹt-môn đều được đề cập đến trong ThiThiên 89:12. Tuy nhiên, cho đến hôm nay vị trí của Si-nai vẫn chưa được ngành khảo cổ xác định, chúng ta không biết núi Si-nai là núi nào ở Trung Đông.
Ở một khía cạnh khác, có thể nhằm hàm ý tính chất song hành Bắc//Hẹt-môn và Nam//Tha-bô; Adele Berlin cho rằng núi Tha-bô nằm ở hướng Nam của biển Ga-li-lê và núi Hẹt-môn nằm hướng Bắc ở Syria. Nhận xét của Berlin, đương nhiên, chỉ có thuyết phục nếu ta đứng ở vùng Ga-li-lê, trung điểm giữa hai ngọn núi này, thì hướng Bắc và Nam của hai ngọn núi mới đúng phương hướng vị trí. Nhưng trung tâm điểm của bài thơ này, cũng như nhiều bài thơ khác, không phải là Ga-li-lê nhưng mà là Giê-ru-sa-lem, là kinh thành của vua Đa-vit, của Vua Yahweh. Cho nên cả ba ngọn núi: Xa-phôn, Hẹt-môn, Tha-bô đều nằm về hướng Bắc của Giê-ru-sa-lem.
    Trong trường hợp Thi Thiên 89:12, chúng ta có nên chọn cách đọc của LLX vì nguyên tắc của cách đọc phụ chú BHS là thông thường nên chọn từ “khó” đọc nhất? Lý do của nguyên tắc này là trừ phi từ “biển” trong bản gốc, mà người phiên dịch đã dùng, không được ghi chép xuống một cách rõ ràng, người dịch/ghi chép không có khuynh hướng sửa lại nguyên văn (đó là sửa từ “hướng Nam” thành từ “biển”). Có lẽ điều đó khiến Craig Broyles chọn cách đọc của LXX thay vì BHS; Broyles cho rằng từ “biển” nhấn mạnh sự hiện hữu của biển là kết quả của sự sáng tạo (không có trước sáng tạo như Sáng 1:2). Tuy nhiên, lý do mà chúng ta có thể dùng để từ chối việc áp dụng nguyên tắc đó trong trường hợp này là vì nguồn của bản MT là bản văn có thể được viết bằng mẫu tự Hê-bơ-rơ cổ đại, và các chữ cái ở cuối từ như mem, nun, pe, và kaph không được phân biệt rõ ràng. Vì thế cho nên có thể người ghi chép MT chọn “hướng Nam” (có chữ cái nun ở cuối từ, thay vì “các biển” có chữ cái mem ở cuối từ) để thuận văn cảnh “Bắc Nam” của câu thơ.
     Dù chúng ta chọn cách đọc của LXX hay MT, mô-tip thần thoại của ba núi thần thoại Ugarit là Xa-phôn, Hẹt-môn, Tha-bô ám chỉ Đức Chúa Trời là đấng tạo dựng các núi đó, chúng thuộc về Ngài, và là những vật thọ tạo của Yahweh (c.9). Cũng như thần cai trị làm biển sóng lặng im không phải là Ba-anh ở Xa-phôn nhưng là Yahweh, là Đấng đã chà nát hải thú Ra-háp để làm biển sóng lặng im (cc.10−11).
     Theo tín ngưỡng thần thoại, Ugarit có thờ một vị thần đứng đầu các thần khác là Ên (אל). Thần Ên ở trong lều trên núi với “các con trai của Đấng Tối Cao,” (ובני עליון), lập thành “hội đồng thần Ên” (עדת־אל) trong đó Ên là chủ tọa, là quan tòa tối cao xét xử các thần khác. Trong bản văn Ugarit, Ên cũng được xem như là “Vua” và “Cha của các thần.” Ên cũng được dùng như là một danh từ chung có nghĩa là “thần.”
    Trong Sáng thế Ký 33:20, Gia-cốp dựng một bàn thờ ở Si-chem và gọi nó là “Ên Ê-lô-he I-sơ-ra-ên” (אל אלֹהי ישׂראל), có nghĩa là “Ên, Chúa của I-sơ-ra-ên.” Có phải Sáng thế Ký 33:20 là một nội chứng của dấu vết tín ngưỡng của thần Ên đã xâm nhập vào trong bản văn của Cựu Ước (Sáng thế Ký 33:20, Xuất Ê-díp tô Ký 6:3, Dân số Ký 24:16, cũng như Ê-sai 13:14)? Có phải các mô-tip về Ên được thu nhập để mô tả Yahweh? Trong Sáng thế Ký 14:14, 22, nơi Mên-chi-xê-đéc, được gọi là vua Sa-lem và là thầy tế lễ của Ên-li-ôn, (Chúa tối cao), đấng sáng tạo ra trời và đất; và Phục truyền Luật lệ Ký 32: 8−9 nói về “Ên-li-ôn” như đấng sáng tạo và gìn giữ sáng tạo; cũng như Thi Thiên 107:11 (“vì họ đã nổi loạn chống lại lời của Ên, và đã lảng tránh lời khuyên của Ên-li-ôn”). Có phải là sự tôn thờ Ên đã thấm nhập vào các bộ lạc Israel thông qua trung gian Ca-na-an, hay chỉ là tên của Ên đã được một số cộng đồng người Do Thái cổ nào đó dùng để gọi Đức Chúa Trời mà thôi như trường hợp người Việt dùng tên của ông “Trời” và tước hiệu “Đức” để gọi Đức Chúa Trời (cũng giống như trong Thi Thiên 18:14, 21:8, và Thi Thiên 47:2: “Giê-hô-va-Ên-li-ôn là một vị vua vĩ đại trên toàn trái đất”)?
    Các mô-tip về “Ên” và tòa án của các thần/hội đồng thần cũng được tìm thấy trong Thi Thiên 82:1:

אֱֽלֹהִ֗ים נִצָּ֥ב בַּעֲדַת־אֵ֑ל
בְּקֶ֖רֶב אֱלֹהִ֣ים יִשְׁפֹּֽט׃

Đức Chúa Trời (אֱלֹהִים) đứng phân xử trong hội đồng Ên (אל);
Ngài phán xét giữa các thần (אֱלֹהִים).

     Thuật tu từ rất cân đối trong hai câu thơ trên. Có ba từ nói về “thần” trong hai thơ trên: Đức Chúa Trời (אֱלֹהִים), các thần (אֱלֹהִים), và Ên (אל). Trong Thi thiên 82:1, Ên không chủ trì hội đồng các thần, không phải là quan tòa tối cao xét xử các thần khác, nhưng mà là Đức Chúa Trời (אֱלֹהִים), là Đấng phán xét các thần. Vậy, hội đồng thần của Đức Chúa Trời không giống nhưng hội đồng thần của Ugarit (mô-tip hội đồng các thần con trai của Ên (mprt bn ’il) được tìm thấy trong CAT 1.65); trong hội đồng thần của Đức Chúa Trời thì Ngài là Đấng toàn quyền phát xét và chỉ có Ngài là Đấng phán xét.
     Cũng như Ên, mô-tip dùng để mô tả thần Ba-anh và thần Re cũng rất giống các mô-tip dùng để mô tả Đức Chúa Trời trong Thi Thiên như các mô-tip về vương quyền, trận chiến với rồng và biển (KTU 1.83), sự hiện thần trong bão tố, và 7 tiếng sấm sét của Ba-anh,v.v… (Thi Thiên 29, 47, 65:7−8, 74:12−17, 89:6−15, 93:1−5, 104; đối chiếu KTU 1. IV 21-27; KTU 1.83).
     Một số học giả đồng ý rằng một trong những thành công lớn của các bản văn trong Kinh Thánh Cựu Ước nói chung, và nhiều bài thơ trong Thi thiên nói riêng, là việc bày tỏ Đức Chúa Trời theo bối cảnh văn hóa của người Ca-na-an mà người Do Thái cổ đã chung đụng. Nhưng tại sao mô hình này rất ít được đề cập đến trong Thánh Kinh học người Việt?
     Michael D. Coogan and Mark S. Smith (môn sinh của Frank Moore Cross), hai học giả phiên dịch các bản văn khắc trên các phiến thẻ đất sét Ugarit ở Ugarit-Ras Shamra, viết:

As this brief overview has shown, Canaanite motifs permeate the Bible. Most significant is the fusion of Baal language and El language in the descriptions of Yahweh and his activity: the god of Israel may be unique, but the formulas that Israel used to express its understanding of him were not. The more we learn of the cultural context in which the Israelites lived, the more the prophetic remark rings true: By origin and by birth you are of the land of the Canaanites. (Ezek. 16:3)

Như sự nhận xét tổng quát ngắn này đã cho thấy, các mô-tip Ca-na-an thấm nhập vào Kinh Thánh. Điều quan trọng nhất là sự kết hợp ngôn ngữ Ba-anh và ngôn ngữ Ên trong các mô tả về Yahwehvà hoạt động của Ngài: thần của Y-sơ-ra-ên có thể là duy nhất, nhưng các công thức mà Y-sơ-ra-ên dùng để biểu lộ sự hiểu biết của mình về vị thần đó thì không. Chúng ta càng học nhiều hơn về bối cảnh văn hoá mà người Do Thái đã sống trong đó, thì lời tiên tri này càng vang dội nhiều hơn: “Theo nguồn gốc và nơi sinh ngươi thuộc về xứ của người Ca-na-an.” (Ê-xê-chi-ên 16:3).

    Chúng ta có thể không hoàn toàn đồng ý với đề xuất trên, và có thể một số người trong chúng ta cho rằng trong Thi Thiên tuy có thấm nhập nhiều mô-tip tương đồng với các mô-tip thần thoại Ugarit; tuy nhiên, điều này không nói lên rằng thi sĩ của Thi Thiên đã vay mượn khái niệm về các vị thần tối cao trong văn hóa tín ngưỡng Ugarit để mô tả Đức Chúa Trời một cách bất cẩn. Các mô-tip này là chứng cứ của sự đạo văn vay mượn, hay đồng hóa, hay hội nhập, hay biện giáo? Theo tôi, những mô-tip tương đồng đó nói lên sự suy tư chung, là một tiếng nói hiệp nhất của một số các tác giả của Cựu Ước, cũng như Thi Thiên, nhằm đối thoại với các văn hóa tín ngưỡng đa thần của Ca-na-an với mục đích để nói lên rằng chỉ có Yahweh, thần của người Hê-bơ-rơ, là vị thần tối cao duy nhất, và duy nhất chỉ có một thần, xứng đáng được mọi sắc dân tôn thờ.

Thư Mục
Baumgartner, W., L. Koehler, and J. J. Stamm. The Hebrew and Aramaic Lexicon of the Old Testament. Phiên dịch M. E. J. Richardson. Leiden, Netherlands: Brill, 1996.

Berlin, Adele và Marc Zvi Brettler, biên tập The Jewish Study Bible: Second Edition. New York: New York, 2014. Kindle edition.

Brown, F., S. Driver, và C. Briggs. Brown-Driver-Briggs Hebrew and English Lexicon. Peabody, Massachusetts: Hendrickson, 1997.

Broyles, Craig. Psalms, Peabody, MA: Hendrickson, 1999.

Coogan, Michael D. Stories from Ancient Canaan. Louisville: Kentucky, 2012. Kindle edition.

Currid, John D. Against the Gods: The Polemical Theology of the Old Testament, Wheaton: Illinois, 2013, Kindle edition.

Day, John “Echoes of Baal’s Seven Thunders and Lightnings in Psalm XXIX and Habakkuk III 9 and the Identity of the Seraphim in Isaiah VI.” VT 29 (1975): 143-151.

Elliger, K., and W. Rudolph, biên tập Biblia Hebraica Stuttgartensia. 5th ed. Stuttgart: Deutsche Bibelgesellschaft, 1997.

Hunt, P. N. “Mount Saphon in Myth and Fact.” Tr. 123-37 trong Phoenicia and the Bible: Proceedings of the Conference held at the University of Leuven on the 15th and 16th of March 1990. Biên tập E. Lipiński; OLA 44; Studia Phoenicia XI; Leuven: Department Oriëntalistiek/ Uitgeverij Peeters, 1991.

Joüon, Paul. A Grammar of Biblical Hebrew. 2 vols. SB 14. Phiên dịch T. Muraoka. Editrice Pontifico Istituto Biblico: Rome, 1996.

Keel, Othmar. The Symbolism of the Biblical World: Ancient Near Eastern Iconography and the Book of Psalms. Phiên dịch T. J. Hallet. New York: Seabury, 1978.

Kleeman,Terry F. “Mountain Deities in China: The Domestication of the Mountain God and the Subjugation of the Margins.” JAOS 114 (1994): 226-238.

Mullen, E. T. The Assembly of the Gods. HSM 24, Chico, CA: Scholars Press, 1986.

Rahlfs, A. Biên tập. Septuaginta. Stuttgart: Deutsche Bibelgesellschaft, 1979.

Smith, Mark S. The Origins of Biblical Monotheism: Israel’s Polytheistic Background and the Ugaritic Texts. New York: New York, 2001. Kindle edition.

Tov, Emanuel. The Text-Critical Use of the Septuagint in Biblical Research. Jerusalem: Simor LTD, 1997.

Waltke, B. K., và M. P. O’Connor. Introduction to Hebrew Syntax. Winona Lake, Indiana: Eisenbrauns, 2004.

Walton, John H. Ancient Near Eastern Thought and the Old Testament: Introducing the Conceptual World of the Hebrew Bible. Grand Rapids: MI, 2006. Kindle edition.

Daniel Hoàng, Ph.D.

Spread the word. Share this post!

error: Content is protected !!