Sơ Lược Về Cú Pháp Của Thơ Hê-bơ-rơ Trong Kinh Thánh (Daniel Hoàng).
Như đã được đề cập đến trong bài viết trước, đa số học giả không chấp nhận các đề xuất cho rằng thơ Hê-bơ-rơ trong Thánh Kinh được cấu tạo theo vần luật âm tiết. Không như những thế kỷ trước, học giả và chuyên gia Thánh Kinh của thế kỷ hiện đại được trang bị với những kiến thức sâu rộng và đương đại hơn về ngôn ngữ Hê-bơ-rơ cổ, cho nên họ thực hiện được nhiều công trình nghiên cứu thơ Hê-bơ-rơ theo một khía cạnh ngôn ngữ khác. Những học giả này đẩy mạnh vai trò quan trọng của cú pháp trong tác vụ phân tích thi văn Kinh Thánh Hê-bơ-rơ. Tiền phong là Michael P. O’Connor, Terence Collins, và Wilfred G. E. Watson; sau đó Dennis Pardee, Adele Berlin, William L. Holladay, Walter Theophilus Woldemar Cloete, Cynthia L. Miller, và một số các học giả khác. Những chuyên gia này cho rằng cú pháp là tính chất căn bản nổi bật có thể mô tả được cấu trúc của câu thơ; họ nghiên cứu và phân loại cấu trúc cú pháp của thơ Hê-bơ-rơ một cách có hệ thống để tìm cách định nghĩa và mô tả tính chất cốt lõi của câu thơ Hê-bơ-rơ.
Một công trình nghiên cứu có tầm vóc nhất và được xem như là một khai phá lớn về nghiên cứu thi văn Hê-bơ-rơ trong nhiều thế kỷ qua sau hiện tượng Roberth Lowth là tác phẩm Hebrew Verse Structure (HVS) của Michael P. O’Connor. HVS là một công trình nghiên cứu đòi hỏi độc giả phải có một kiến thức chuyên môn; vì giới hạn bài viết, cho nên tôi chỉ nêu lên vài điểm sơ lược của HVS.
O’Connor cho rằng ngữ pháp là một thành phần nòng cốt chủ động trong cấu trúc của một câu thơ. O’Connor nêu lên bốn phẩm chất của một bài thơ: 1) thành ngữ của văn hoá, 2) ngữ cảnh: người phát ngôn, người thụ ngôn trực tiếp, và thụ ngôn gián tiếp/thính giả hậu cảnh, 3) thuật ngữ và cách chọn lọc từ vựng, 4) nhịp điệu hoặc cấu trúc trong một thứ tự tốt nhất. O’Connor bác bỏ thuyết song hành cặp đôi của Lowth, cho rằng thuyết này vô ích và không phù hợp về mặt ngôn ngữ. Thay vào đó, O’Connor cho rằng đơn vị cốt lõi của thi văn Hê-bơ-rơ không nhất thiết là cặp đôi nhưng mà là một câu thơ (không phải số chỉ vị trí của một câu trong một chương của Kinh thánh, nhưng mà một câu thơ, a colon, a line).
O’Connor là học giả đầu tiên đã đề xuất một định nghĩa chi tiết để mô tả câu thơ Hê-bơ-rơ. O’Connor đề xuất rằng câu (a colon) là đơn vị cơ bản của bài thơ thay vì cặp đôi (bicolon) như Giám mục Robert Lowth đã đề xuất. Phân tích các cú pháp dùng trong 1.400 câu thơ Thánh Kinh Hê-bơ-rơ, O’Connor nhận xét rằng cấu trúc của một câu thơ gồm có tối đa là một mệnh đề, hai hay ba phần tử văn phạm, và hai hoặc ba từ. Định nghĩa này đem đến nhiều lợi ích cho tác vụ phân tích ý nghĩa của một bài thơ bằng cách giúp giải quyết các vấn đề chia câu trong Masoretic Text (MT).
Không giống như cách trình bày hiện đại chia câu một bài thơ bằng cách xuống hàng, những người sao chép Masoretes trình bày dạng bài thơ bằng cách dùng các dấu nghỉ/tách rời (disjunctive accents) để đánh dấu những chỗ mà họ cho rằng người đọc phải tạm dừng vì những chỗ đó là chỗ kết thúc ý tưởng của câu thơ, hoặc chỗ ngăn cách các vế trong câu thơ, hoặc ngăn cách thành phần chính với thành phần phụ của câu. Đôi khi, họ cũng chừa khoảng cách giữa các chữ để tượng trưng cho những dấu nghỉ trong bài thơ. Ví dụ về nan đề trong cách chia câu Thi Thiên 26:1:
Leningrad Codex
שָׁפְטֵ֤נִייְהוָ֗הכִּֽי־אֲ֭נִיבְּתֻמִּ֣יהָלַ֑כְתִּיוּבַיהוָ֥הבָּ֝טַ֗חְתִּילֹ֣אאֶמְעָֽד
Minh oan cho con, kính lạy Yahweh! Vì con bước đi trong sự liêm chính, và con tin cậy nơi Yahweh, con không trượt bước.
Cách chia câu MT truyền thống a/b này không phù hợp với cú pháp thi văn vì câu 1a rất dài so với các câu khác trong bài thơ. Vế thứ nhất có 2 mệnh đề, 4 phần tử văn phạm, và 5 từ (không đếm giới từ). Vế thứ nhì có hai mệnh đề (בָּ֝טַ֗חְתִּי, אֶמְעָֽד), hai phần tử văn phạm, và ba từ.
Cách chia câu của MT theo Leningrad Codex nằm trong giới hạn của cú pháp của toàn bài thơ. Cách chia câu Thi Thiên 26:1 của BHS thì cũng theo truyền thống MT. Bardtke, biên tập viên chịu trách nhiệm biên soạn sách Thi Thiên trong BHS, chia Thi Thiên 26:1 thành bốn câu/hàng thơ bằng cách chừa khoảng cách giữa bốn câu sau dấu nghỉ Silluq, ’Athnach, Rebia‘ gadol và Rebia‘ mugrash. Cách chia này tùy thuộc vào các dấu nghỉ chính và phù hợp với giới hạn của mô hình cú pháp mà O’Connor đề xuất. Tuy nhiên, Bardtke cho rằng câu 1b bị thiếu mất đi một câu/hàng cho nên không thuận vần luật; nhưng Bardtke không có một dẫn chứng nào cho đề xuất này cả.
שָׁפְטֵ֤נִי יְהוָ֗ה כִּֽי־אֲ֭נִי בְּתֻמִּ֣י הָלַ֑כְתִּי
וּבַיהוָ֥ה בָּ֝טַ֗חְתִּי לֹ֣א אֶמְעָֽד
Vậy ta thấy trong những trường hợp mà cách chia câu của MT và BHS không rõ ràng và như trường hợp Thi Thiên 26:1 thì sự thiếu sót của một định nghĩa để định giới hạn một câu thơ có thể mang lại nan đề cho việc dịch thuật. Như đã nêu trên, cách giải quyết vội vàng và nhanh chóng cho những trường hợp như vậy thì có thể bằng cách sửa đổi hay cho thêm từ vào nguyên bản để sửa lại cho đúng theo một mô hình vần luật nào đó. Có một vài đề nghị rằng nếu bỏ đi cụm từ וּבַיהוָ֥ה בָּ֝טַ֗חְתִּי hoặc cụm từ שָׁפְטֵ֤נִי יְהוָ֗ה כִּֽי thì Thi Thiên 26:1 mới thích hợp với dạng vần 2+2+2, nhưng cách sửa đổi và cấu trúc của nguyên bản để thích hợp với mô hình vần luật do mình đề xuất (metri causa) thì hoàn toàn không có nội chứng và ngoại chứng cho nên không thuyết phục. Còn Craigie thì lại không biết phải giải quyết Thi Thiên 26:1 bằng cách nào; Craigie chia 26:1 thành hai câu nhưng cũng cho rằng Thi Thiên 26:1 có thể chia thành bốn câu ngắn thay vì hai câu dài.
Các bản dịch Việt ngữ, cũng như Anh ngữ, thì cũng khác nhau về con số câu thơ của Thi Thiên 26:1 như sau:
Lạy CHÚA, xin xét cho tôi
Vì tôi sống liêm khiết,
Tôi đã tin cậy nơi CHÚA,
Không hề lay chuyển. (NVB – BDM)
Lạy CHÚA, xin hãy bênh vực tôi
vì tôi sống đời thanh liêm.
Tôi đã tin cậy nơi Ngài,
không hề lay động. (BPT)
Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy đoán xét tôi, vì tôi đã bước đi trong sự thanh liêm, Tôi cũng nhờ cậy Đức Giê-hô-va, không xiêu tó. (BTT).
Lạy Đức Giê-hô-va, xin biện minh cho con,
Vì con đã bước đi trong sự liêm chính;
Con tin cậy Đức Giê-hô-va, không hề nao núng. (BHĐ)
CHÚA ôi, xin minh oan cho con,
Vì con đã bước đi cách thanh liêm,
Vì con đã tin cậy CHÚA cách không nao núng. (B2011)
Lạy CHÚA, xin Ngài xử cho con, vì con sống vẹn toàn.
Con tin tưởng vào CHÚA, không do dự. (BSNGKPV)
Thoạt nhìn thì người đọc không thấy các bản dịch khác nghĩa với nhau, nhưng xem lại thì có hai khía cạnh khác nhau: sự tin cậy Yahweh và đời sống liêm chính. Vậy vị trí của câu 4 ảnh hưởng đến ý nghĩa của 4 câu thơ này, vì nếu dùng câu 1b “Vì con đã tin cậy CHÚA cách không nao núng” làm chủ đề/câu gốc của bài giảng để nói về một sự tin cậy không do dự, tin cậy không nao núng, không lay động, không hề lay chuyển, v.v…, thì không đúng nghĩa vì cụm thơ này nhấn mạnh khái niệm đời sống liêm chính, đức hạnh, chân bước vững chắc vì tin cậy Yahweh chứ không phải về sự tin cậy không nao núng. Tác giả cầu xin Yahweh phân xét mình dựa trên căn bản đời sống liêm chính của chính mình (có được vì nhờ tác giả đã tin cậy nơi Yahweh).
Thông thường câu mở đầu trong các bài thơ cầu nguyện gồm có một hoặc hai mệnh lệnh đề và một đại danh từ thể hô cách, kêu cầu thánh danh Chúa là Yahweh (יהוה) hoặc Đức Chúa Trời (אלהִים). Mệnh đề đầu tiên trong câu mở đầu là mệnh lệnh đề ngôi hai số ít mô tả đối thoại trực tiếp với Yahweh, thông thường mệnh đề này đứng trước hoặc đứng sau câu kêu cầu trực tiếp thánh danh Yahweh; cầu xin Yahweh giải cứu, phán xét, thử thách sự trong sạch, hoặc lắng nghe lời cầu xin của thi sĩ. Đi theo sau câu mở đầu thông thường là hai câu được cấu trúc với hai mệnh đề nguyên nhân (causal clauses), là hai mệnh đề phụ thuộc cú pháp của mệnh lệnh đề chính (imperative clause) đi trước ở câu trên (xem Thi Thiên 51:5, 54:5, 55:4b). Mệnh đề phụ thuộc thứ nhất bắt đầu với giới từ nguyên nhân כי (vì), và bằng động từ hoàn thành (perfective verb). Mệnh đề phụ thuộc thứ hai được tiếp nối theo với liên từ waw “và” (và [cũng tại vì] …) và bằng động từ hoàn thành (perfective verb בָּ֝טַ֗חְתִּי “tin cậy”); liên từ waw “và” đôi khi được dùng để kết hợp hai mệnh đề với nhau (a waw apodosis/interclausal conjunction).
Trong câu thứ tư, tác giả thay đổi “thể” (“thể,” aspect; Kinh Thánh Hê-bơ-rơ không có “thì,” tense), không dùng thể hậu tố hoàn thiện mà dùng thể tiền tố không hoàn thành để mô tả tình huống/sự việc trong tương lai (phụ thuộc vào điều kiện của mệnh đề đi trước nó); theo tiến trình như sau: 1) bước đi trong liêm chính, và 2) tin cậy Yahweh, thì 3) không trượt bước. Cho nên câu 4 không thể kết hợp với câu 3 thành một câu được vì câu 4 là một mệnh đề có thể động từ không hoàn thành (non-perfective אֶמְעָֽד “con không trượt bước”), chứ không phải là liên từ bổ nghĩa cho câu 3. Vậy bốn câu thơ trong Thi thiên 26:1 là một tổ hợp liên kết cú pháp lệ thuộc nhau rất chặt chẽ: A.B//A’.B’. Động từ מעד (trượt, xiêu đảo) cũng được dùng trong 2 Sa-mu-ên 22:37, Thi Thiên 18:37, Thi Thiên 37:31, cũng như Gióp 12:5. Vậy Thi Thiên 26:1 có thể được tạm dịch như sau:
A. Minh oan cho con; kính lạy Yahweh!
B. Vì con đã bước đi trong sự liêm chính,
A’. Và nơi Yahweh con tin cậy;
B’. Con không trượt bước.
Thi Thiên 26:2–3 cũng có cùng một cấu trúc cú pháp tương tự. Lời kêu cầu được mở rộng ra với ba mệnh lệnh đề và hai mệnh đề phụ thuộc đi theo sau. Cách dùng mệnh lệnh đề ngôi hai số ít, với hậu tố ngôi nhất số ít và động từ hoàn thành và không hoàn thành (perfect and imperfect forms) kết hợp Thi Thiên 26:1–3 thành một đơn vị tiểu đoạn của bài thơ, sự tương quan ngữ pháp của câu 1b và câu 3b rất rõ ràng.
Trong tác vụ phân chia các đơn vị tiểu đoạn để phân tích cấu trúc của bài thơ không chỉ căn cứ độc nhất vào chủ đề quán xuyến xuyên qua ngữ nghĩa để tìm ý hướng và khúc chiết của bản văn (logic/sense of the text) mà thôi nhưng cách chia ngắt phân đoạn còn phải dựa vào dạng hình thức của mặt chữ, đó là cú pháp văn phạm của từng câu. Nhất là ở những trường hợp mà sự đổi chuyển ý hướng của phân đoạn trong bản văn không rõ rệt. Vì giới hạn của bài viết, cấu trúc cú pháp của toàn bài thơ không bàn luận đến. Mục đích của ví dụ Thi Thiên 26:1–3 là để nói lên sự ích lợi của việc phân tích cú pháp để tiếp cận những đoạn văn khó mà không cần phải thêm bớt sửa chữa nguyên văn một cách vô cớ như đã nêu lên trên.
Câu là đơn vị cốt lõi của thơ Hê-bơ-rơ; điều này không phủ nhận tính chất cặp đôi mà Lowth đã đề xuất nhưng chỉ xác định rằng tính chất cặp đôi chỉ được xác quyết trong Châm Ngôn và một vài bài thơ khác, chứ không có tính chất tuyệt đối. Cho nên ta sẽ sai lầm nếu tiếp cận thơ Hê-bơ-rơ theo hệ thống đơn vị cặp đôi một cách tuyệt đối để tìm hiểu cấu trúc và ý nghĩa của bài thơ. Vì không như những bài Vần lục bát của người Việt, hệ thống cặp đôi “bicolon” của Lowth mô tả sai lầm các bài thơ như là tập hợp rời rạc của các đơn vị cặp đôi không có cấu trúc cú pháp. Hệ thống cặp đôi của Lowth không xem xét và giải thích sự tương ứng ngôn ngữ giữa các câu không nằm trong vị trí kề cận nhau trong bài thơ mà chỉ xem xét sự tương ứng ngôn ngữ trong cặp đôi mà thôi. Nhận xét này bác bỏ giả định sai lầm của đề xuất về tính chất tuyệt đối của cặp đôi (là đơn vị cốt lõi của bài thơ), chứ không phủ nhận sự hiện hữu của tính chất cặp đôi song hành trong thơ Hê-bơ-rơ (như các bài thơ trong Châm Ngôn). Sử dụng mô hình phân tích cú pháp để tiếp cận một bài thơ đem đến nhiều lợi ích; cách tiếp cận này giúp người giải kinh tránh được những khiếm khuyết trong cách ngắt câu của MT, cũng như không bị chi phối vì các số hiệu dùng để phân chia đơn vị tư tưởng của phân đoạn và câu đã được Robert Estienne chỉ định vào thế kỷ 16. Ví dụ Thi Thiên 54:6–9 (số hiệu theo kinh văn Hê-bơ-rơ):
6הִנֵּ֣ה אֱ֭לֹהִים עֹזֵ֣ר לִ֑י
אֲ֝דֹנָ֗י בְּֽסֹמְכֵ֥י נַפְשִֽׁי׃
7יָשִׁ֣֯וב הָ֭רַע לְשֹׁרְרָ֑י
בַּ֝אֲמִתְּךָ֗ הַצְמִיתֵֽם׃
8בִּנְדָבָ֥ה אֶזְבְּחָה־לָּ֑ךְ
א֤וֹדֶה שִּׁמְךָ֖ יְהוָ֣ה כִּי־טֽוֹב׃
9כִּ֣י מִכָּל־צָ֭רָה הִצִּילָ֑נִי
וּ֝בְאֹיְבַ֗י רָאֲתָ֥ה עֵינִֽי׃
(6a–7b; thụ ngôn trực tiếp = thính giả hậu cảnh; n3si = ngôi 3 số ít)
6aNhìn xem! Đức Chúa Trời là Đấng giúp đỡ tôi.
6bChúa là Đấng gìn giữ tôi;
7aNgài (n3si) sẽ báo trả kẻ thù tôi sự tai ách.
(7b–8b; thụ ngôn trực tiếp = Chúa; n2si = ngôi 2 số ít)
7bTrong sự thành tín của Ngài (n2si), hủy diệt (n2si) chúng nó;
8aRồi con sẽ dâng của lễ tự nguyện cho Ngài (n2si).
8bCon sẽ ngợi khen danh Ngài (n2si), lạy Đức Giê-hô-va, vì điều đó là tốt lành;
(9a–9b; thụ ngôn trực tiếp = hậu cảnh)
9aVì Ngài (n3si) đã giải cứu tôi khỏi tất cả gian truân,
9bđể mắt tôi được ngắm nhìn trên kẻ thù của mình.
Ích lợi của việc lấy câu là đơn vị cơ bản, thay vì cặp đôi, được ghi nhận xuyên qua ví dụ của ba câu thơ Thi Thiên 54:6–7a (và rất nhiều câu khác trong Thi Thiên). Ba câu này có kết hợp cú pháp chặt chẽ và cho ta thấy, một lần nữa, sự tương ứng về ngôn ngữ không chỉ nằm trong cặp đôi (bicolon), nghĩa là không nằm trong hai câu Thi Thiên 54:6 mà thôi vì câu 54:7a là câu đồng vị ngữ xác nhận hai cụm vị ngữ “là Đấng giúp đỡ tôi” (6a), và “Đấng gìn giữ tôi” (6b). Ba câu tiếp theo, 7b–8b, cùng tạo thành một tiểu đơn vị; câu 7b–8b là các mệnh đề điều kiện; câu 7b là câu thỉnh nguyện yêu cầu (mệnh đề độc lập, protasis) và câu 8a–b là các lời hứa nguyện sẽ được thực hiện nếu yêu cầu được chấp thuận (mệnh đề phụ thuộc, apodosis). Một lần nữa, hệ thống cặp đôi, bicolon, không thể hiện một cách tuyệt đối được vì sự liên kết cú pháp và tương ứng ý nghĩa giữa các câu thơ không chỉ nằm trong giới hạn của cặp đôi mà thôi.
Thư Mục
Allen, Leslie C. Psalms 101-150. WBC 21. Waco, Texas: Word Books, 1983.
Aejmelaeus, Anneli. Traditional Prayer in the Psalms. BZZFDAW 167. New York, New York: Walter de Gruyter, 1987.
Alonso, S. L. A Manual of Hebrew Poetics. SB 11. Rome: Pontifical Biblical Institute, 1998.
Alter, Robert. The Art of Biblical Poetry. New York, New York: Basic Books, 1985.
Baumgartner, W., L. Koehler, và J. J. Stamm. The Hebrew and Aramaic Lexicon of the Old Testament. Phiên dịch. M. E. J. Richardson. Leiden, Netherlands: Brill,1996.
Broyles, C. C. Psalms. NIBC. Peabody, Massachusetts: Hendrickson, 1999.
Brown, F., S. Driver, và C. Briggs. Brown-Driver-Briggs Hebrew and English Lexicon. Peabody, Massachusetts: Hendrickson, 1997.
Craigie, Peter. Psalms 1-50. WBC 19. Waco, Texas: Word Books, 1983.
Cloete, Walter Theophilus Woldemar. Versification and Syntax in Jeremiah 2-25: Syntactical Constraints in Hebrew Colometry. SBLDS 117. Atlanta, Georgia: Scholars Press 1989.
Collins, Terence. Line-Forms in Hebrew Poetry: A Grammatical Approach to the Stylistic Study of the Hebrew Prophets. Rome: Biblical Institute, 1978.
Cooper, Aland M. Biblical Poetics: A Linguistic Approach. Missoula, Montana: Scholars Press, 1979.
Cross, F. M., and D. N. Freedman. Studies in Ancient Yahwistic Poetry. Missoula, MT: Scholars Press, 1975.
Elliger, K., và W. Rudolph. Biên tập. Biblia Hebraica Stuttgartensia. 5th ed. Stuttgart: Deutsche Bibelgesellschaft, 1997.
Freedman, David Noel. Pottery, Poetry, and Prophecy: Studies in Early Hebrew Poetry. Winona Lake, Indiana: Eisenbrauns, 1980.
Geller, Stephen A. Parallelism in Early Biblical Poetry. HSM 20. Missoula, MT: Scholars, 1979.
Gevirtz, S. Patterns in the Early Poetry of Israel. Studies in Ancient Oriental Civilization 32. Chicago: University of Chicago Press, 1963.
Hossfeld, F. L., and E. Zenger. Die Psalmen. 2 quyển. Würzburg, Germany: Echter Würzburg, 1993, 2002.
Jacobson, Rolf A. “Many are Saying.” The Function of Direct Discourse in the Hebrew Psalter. JSOTSup 397. New York: T&T Clark International, 2004.
Jakobson, Roman. “Grammatical Parallelism and its Russian Facet.” Language 42 (1966) 399-429.
————. “Poetry of Grammar and Grammar of Poetry.” Lingua 21 (1968) 597-609.
Joüon, Paul. A Grammar of Biblical Hebrew. 2 quyển. SB 14. Phiên dịch. T. Muraoka. Editrice Pontifico Istituto Biblico: Rome, 1996.
Kosmala, Hans. “Form and Structure in Ancient Hebrew Poetry: A New Approach.” Trong Poetry in the Hebrew Bible: Selected Studies from Vestus Testamentum. Biên soạn David E. Orton, 425-45. Boston: Brill, 2000.
————. Review of Michael P. O’Connor, Hebrew Verse Structure. JNES 42/4 (1983) 298-301.
Lowth, Robert. Lectures on the Sacred Poetry of the Hebrews. Phiên dịch G. Gregory. 1839. Repr., Whitefish, Montana: Kessinger Publishing, 2004.
Lunn, Nicholas P. Word-Order Variation in Biblical Hebrew Poetry: Differentiating Pragmatics and Poetics. Waynesboro, Georgia: Paternoster Press, 2006.
Miller, C. Lynn. “The Relation of Coordination to Verb Gapping in Biblical Poetry.” JSOT 32/1 (2007) 41-60.
Miller, Cynthia Lynn. The Representation of Speech in Biblical Hebrew Narrative: A Linguistic Analysis. HSM 55. Atlanta, Georgia: Scholars, 1996.
————. The Verbless Clause in Biblical Hebrew: Linguistic Approaches. Winona Lake, Indiana: Eisenbrauns, 1999.
O’Connor, Michael Patrick. Hebrew Verse Structure. Winona Lake, Indiana: Eisenbrauns, 1980.
————. Contour of Biblical Hebrew Verse: An Afterword to Hebrew Verse Structure. Winona Lake, Indiana: Eisenbrauns, 1997.
Pardee, Dennis. Ugaritic and Hebrew Poetic Parallelism: A Trial Cut (cnt 1 and Proverbs 2). VTSup 39. Leiden, Netherlands: Brill, 1988.
Pardee, Dennis. “Ugaritic and Hebrew Metrics.” Trong Ugaritic in Retrospect: Fifty Years of Ugarit and Ugaritic. Biên tập G. D. Young, 113-30. Winona Lake, Indiana: Eisenbrauns, 1981.
Prickett, S. “Robert Lowth and the Idea of Biblical Tradition.” In Sacred Conjectures: the Context and Legacy of Robert Lowth and Jean Astruc. Biên tập John Jarick, 48-61. LHBOTS 457. London/New York: Clark, 2007.
Rahlfs, A. Biên tập. Septuaginta. Stuttgart: Deutsche Bibelgesellschaft, 1979.
Reymond, Eric D. Innovations in Hebrew Poetry: Parallelism and the Poems of Sirach. SBL 9. Atlanta, Georgia: Scholars Press, 2004.
Schökel, Alonso Luis. A Manual of Hebrew Poetics. Phiên dịch Adrian Graffy. SB 11. Rome: Biblical Institute, 1988.
Tov, Emmanuel. Text-Critical Use of the Septuagint in Biblical Research. JBS 8. Jerusalem: Simor, 1997.
————. Textual Criticism of the Hebrew Bible. Minneapolis, Minnesota: Fortress Press, 1992.
Watson, Wilfred G. E. Classical Hebrew Poetry: A Guide to its Techniques. JSOTSup 26. Sheffield, England: JSOT Press, 1984.
Rogerson, J. “Charles François Houbigant: His Background, Work, and Importance for Lowth.” Trong Sacred Conjectures: The Context and Legacy of Robert Lowth and Jean Astruc. Biên tập John Jarick, 83-92. LHBOTS 457. London/New York: Clark, 2007.
Waltke, B. K. và M. P. O’Connor. Introduction to Hebrew Syntax. Winona Lake, Indiana: Eisenbrauns, 2004.
Yona, Shamir. “A Type of Expanded Repetition in Biblical Parallelism.” ZAW 119/4 (2007) 586-601.