Marzēaḥ Theo Phong Cách Việt (Daniel Hoàng)
Tổ chức đám tang một cách không ý thức sẽ trực tiếp phiền nhiễu láng giềng của gia đình người chết. Nhà cầm quyền Đà Nẵng gần đây có ra chỉ thị quy định cách tổ chức đám tang phù hợp với nét văn minh của thành phố; một vài phường xã địa phương cũng khuyến khích người dân nên bãi bỏ các hủ tục kém văn hóa như rải tiền vàng mã, uống bia rượu trong đám tang, và ca hát nhảy múa ồn ào trong đám tang vì những hủ tục này không thích hợp hoàn cảnh, làm mất đi phần trang nghiêm và sự tôn trọng người chết và thân nhân. Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng như các nơi khác ở Việt Nam, việc thực hành hủ tục đám tang và nhiều hủ tục khác không phải là hiện tượng mới lạ. Cùng với các việc hủ bại như ăn thịt chó thịt mèo và các thói quen kém văn hóa khác đã du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc, các hủ tục đi kèm với đám tang cần được loại bỏ.
Về việc tổ chức đám tang, các dân tộc vùng Cận Đông cổ tổ chức marzēaḥ (מַרְזֵחַ) “tiệc tang lễ” mang hình thức giống như các bữa tiệc ăn uống và rượu bia trong nhiều đám tang của người Việt hiện nay. Xuyên qua các di tích khảo cổ và các bản văn được các nhà khảo cổ khám phá ra ở Ras-Shamra và Qumran, chúng ta hiểu được ý nghĩa của marzēaḥ nhiều hơn nhờ các bản văn của Ugarit, LXX, Elephantine, Punic, Nabatean, Palmyrene, và truyền thống Talmudic của Do Thái giáo.[1] Trong tập tục tang lễ của người Cận Đông cổ, marzēaḥ là bữa tiệc thết đãi khách tham dự mà uống rượu/bia say sưa là mục đích chính của bữa tiệc.[2] Nhưng điều này không có nghĩa là dân Do Thái cổ cũng thu nhập tập tục này từ láng giềng của họ. Mặc dù marzēaḥ có ý nghĩa như thế nào cũng vậy, Đức Chúa Trời răn cấm (có tính chất tạm thời) tiên tri của Ngài không được tham dự marzēaḥ, Giê-rê-mi 16:5 (BHS):
כִּֽי־כֹ֣ה׀ אָמַ֣ר יְהוָ֗ה אַל־תָּבֹוא֙ בֵּ֣ית מַרְזֵ֔חַ וְאַל־תֵּלֵ֣ךְ לִסְפֹּ֔וד וְאַל־תָּנֹ֖ד לָהֶ֑ם כִּֽי־אָסַ֨פְתִּי אֶת־שְׁלֹומִ֜י מֵאֵ֨ת הָעָ֤ם־הַזֶּה֙ נְאֻם־יְהוָ֔ה אֶת־הַחֶ֖סֶד וְאֶת־הָֽרַחֲמִֽים׃
Và Yahweh phán rằng, “Ngươi không vào nhà có thết tiệc tang lễ; không đi thương tiếc và không an ủi chúng nó; vì ta đã lấy lại sự bình an, tình yêu thương và lòng thương xót của ta ra khỏi dân này.” Yahweh phán.
Giê-rê-mi 16:5 (LXX):
τάδε λέγει κύριος Μὴ εἰσέλθῃς εἰς θίασον αὐτῶν καὶ μὴ πορευθῇς τοῦ κόψασθαι καὶ μὴ πενθήσῃς αὐτούς, ὅτι ἀφέστακα τὴν εἰρήνην μου ἀπὸ τοῦ λαοῦ τούτου.[3]
Đây là điều Chúa phán, “Ngươi không được vào dự tiệc của chúng nó; không đi khóc thương tiếc và không chia buồn với chúng nó; vì ta đã lấy lại sự bình an của ta ra khỏi dân này.”
Bản LXX dùng từ θίασος để phiên dịch từ מַרְזֵ֔חַ (marzēaḥ) của Hebrew (θίασος: tiệc, đoàn người, đội, toán). Ý nghĩa tiếng Hi-lạp cổ của từ θίασος mô tả một nhóm người ồn ào, nhảy múa đi diễn hành trên đường phố để tưởng niệm Bacchus, một vị thần tượng trưng cho nông nghiệp và rượu nho trong huyền thoại Rô-ma.[4]
Nhiều dân tộc vùng Cận Đông cổ tin rằng người chết có quyền năng trên người sống, có thể hãm hại hoặc giúp đỡ người sống cũng như có khả năng tiên đoán sự việc tương lai.[6] Mê tín về quyền năng người chết của dân tộc vùng Cận Đông cổ được tỏ bày trong việc cầu hồn, dâng hiến thức ăn cho người chết, và cách thiết kế mồ mả. Người Do Thái cổ có tập tục xây dựng mồ mả bia mộ, cũng như xây dựng các מַצֵּבָה (cột/đài làm bằng đá) để tưởng niệm người đã mất (2 Các Vua 23:16–18; Ê-sai 56:5). Điển hình trong việc Gia-cốp dựng bia đá trước mộ Ra-chên (Sáng Thế Ký 35:20), và bia đá của một tiên tri vô danh (2 Các Vua 23:17), cũng như Áp-sa-lôm tự dựng cho mình cột đài tưởng niệm (2 Sa-mu-ên 18:18).[7] Mồ mả gia tộc là một phần quan trọng trong cấu trúc xã hội của người Do Thái cổ; họ xây và duy trì mộ gia tộc để các người thân được chôn cùng địa điểm (Sáng Thế Ký 25:10; Các Quan Xét 8:32, 16:31; 2 Sa-mu-ên 2:32; Giô-suê 24:32; xem thêm Tô-bi-a 4:3–4). Một trong các loại mồ mả thông dụng là những ngôi cổ mộ mà bên trong có những hốc hình bán nguyệt làm thành các giá bằng phẳng làm chỗ để thi thể; các giá này cao khoảng một mét đo từ sàn mặt đất và sâu khoảng một mét. Các thi thể được đặt nằm trên các giá cho đến khi mục nát; sau đó hài cốt được đem để vào một cái hố bên dưới mồ (xem Ê-sai 22:15–16, 57:7–9; Thi Thiên 16:3–4).[9]
Gần đây trong nhiều ngôi cổ mộ ở vùng Judea, Samaria, và Ugarit các nhà khảo cổ tìm thấy các trang sức cá nhân và vật dụng nhà bếp được chôn với người chết như lu chứa thức ăn, dao, bình nước, đèn dầu, chai và lọ dùng để đựng dầu, và những vật dụng linh tinh khác. Họ cũng tìm thấy trên các nền mộ có nhiều lỗ khoan thông xuyên qua nền mộ để làm phương tiện cung cấp thức ăn cho người chết. Các di tích khảo cổ được tìm thấy trong các ngôi cổ mộ này cho thấy việc cung hiến thực phẩm cho người chết có thể là một tập tục rất phổ thông.[10] Có lẽ người Do Thái cổ qua nhiều thời đại đã thực hành việc thờ thần tượng, cũng như thực hành mê tín đồng bóng; những tập tục tín ngưỡng này tạo nhiều căng thẳng với Do Thái giáo cho nên Cựu Ước phản ứng bằng những lời chỉ trích hoặc bằng những luật lệ ngăn cấm (Phục-truyền Luật lệ Ký 14:1, 18:10–11, 26:14; Dân-số Ký 25:2; Giê-rê-mi 16:5–9; Ê-xê-chi-ên 43:7–9; Thi-thiên 16:3–4, 106:28; Ê-sai 8:19, 19:3, 29:4, 57:6–7; 2 Sa-mu-ên 12:15–24; 18:18; 2 Các Vua 9:34–37, 13:20–21; 2 Sử Ký 16:14)?[11] Trong số các phân đoạn được nêu trên, Phục-truyền Luật lệ Ký 26:14 mang lại nhiều bàn luận trong vòng các học giả về vấn đề cung cấp thực phẩm cho linh hồn người chết:
לֹא־אָכַ֨לְתִּי בְאֹנִ֜י מִמֶּ֗נּוּ וְלֹא־בִעַ֤רְתִּי מִמֶּ֙נּוּ֙ בְּטָמֵ֔א וְלֹא־נָתַ֥תִּי מִמֶּ֖נּוּ לְמֵ֑ת שָׁמַ֗עְתִּי בְּקֹול֙ יְהוָ֣ה אֱלֹהָ֔י עָשִׂ֕יתִי כְּכֹ֖ל אֲשֶׁ֥ר צִוִּיתָֽנִי׃
Con không ăn trong phần đó khi có tang chế; và khi đang bị ô uế con không đụng đến một phần nào của nó; con cũng không dùng một phần nào của nó cho người chết. Con vâng lời Yahweh Đức Chúa Trời của con và làm theo mọi điều Ngài răn dạy con.
Các bản dịch tiếng Việt:
Tôi không ăn phần thánh lúc có tang chế, cũng không đụng đến đang khi bị ô uế, và cũng không cúng phần ấy cho người chết. Tôi đã vâng lời CHÚA, Đức Chúa Trời của tôi và thi hành mọi điều Ngài truyền dạy. BDM
Con đã không ăn những của đó trong thời gian con thọ tang, con không đụng đến chúng khi con bị ô uế, và con cũng không đem chúng để cúng cho người chết. Con đã vâng lời Chúa, Ðức Chúa Trời của con, và làm y mọi điều Ngài đã truyền cho con. BD2011
Chúng con không ăn phần biệt riêng đó trong lúc tang chế, không đụng đến nó khi chúng con không thanh sạch, và cũng không dùng nó mà cúng cho người chết. Chúng con vâng lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng con và làm đúng mọi điều Ngài đã phán dặn. BHĐ
Nhiều bản dịch tiếng Việt dùng động từ “cúng” để phiên dịch động từ נָתַן của Hebrew (có lẽ dịch theo từ “offer” của một vài bản Anh ngữ như NIV, NASB, NAB thay vì xem xét bản Hebrew gốc hoặc đối chiếu các bản Anh ngữ khác. Từ “offer” có thể được hiểu trong ý nghĩa tín ngưỡng tôn giáo, và cũng có thể được dùng như một từ phổ thông). Đây là một sai lầm về phiên dịch tuy nhỏ nhưng mang lại một sai lầm thần học lớn. Động từ נָתַן không phải là từ chuyên môn dùng để mô tả hành động dâng hiến của lễ, nhưng nó là một động từ phổ thông được dùng trong Cựu Ước tất cả 2014 lần (cho, trao cho, đưa cho, ban cho, mang cho, cho phép, đặt xuống, đặt vào. . .). Động từ “cúng” trong tiếng Việt là từ chuyên môn dùng mô tả hành động thuộc tín ngưỡng, hành động dâng lễ vật hoặc tiền bạc lên cho thần linh, người chết (theo tín ngưỡng thờ ông bà), hoặc cho một tổ chức tôn giáo (cúng cho chùa); “cúng” cũng được dùng trong văn nói như “cúng hết tiền cho sòng bạc.” Từ “cúng” mang khái niệm tín ngưỡng “thờ cúng, thờ phượng” người chết, có nghĩa là dân Do Thái cổ có thực hành tín ngưỡng thờ cúng/thờ phượng người chết; đây là điều mà từ נָתַן trong Phục-truyền Luật-lệ Ký 26:14 không khẳng định rõ ràng.
Phục-truyền Luật lệ Ký 26:14 nằm trong phân đoạn nói về lễ cầu nguyện dâng hiến sau khi người nông dân đã làm xong việc đem phần mười hoa lợi định kỳ ba năm biệt riêng cho người nghèo (מַעֲשֵׂר עָנִי). Phần mười đó có lẽ là phần mà người nông dân Do Thái cổ phải dâng nộp phụ trội ba năm một lần để làm phụ cấp cho người Lê-vi, người nước ngoài, trẻ mồ côi, và góa phụ. Khi đã mang hoàn tất việc dâng hiến phần biệt riêng cho người nghèo (có lẽ không thể dâng cùng một lúc vì hoa lợi thu nhập theo mùa), người nông dân phải xác định trước mặt Yahweh rằng đã không dùng phần hoa lợi biệt riêng để lo việc cho người chết (có thể, và chỉ có thể, hàm ý tổ chức marzēaḥ làm tiệc thết đãi khách tham dự đám tang), vì nếu dùng phần hoa lợi đó vào việc tổ chức marzēaḥ thì phần đó đã bị ô uế, đương nhiên không thể làm הַקֹּ֣דֶשׁ “phần thánh” biệt riêng cho người nghèo. Cũng theo khái niệm thánh sạch của Luật Thánh Khiết trong Lê-vi Ký 17–26, người dâng phần hoa lợi biệt riêng cho người nghèo không được đụng vào phần hoa lợi đó khi mình đang có tang chế trong gia đình, hoặc đang bị ô uế vì tang chế, hoặc ô uế vì đụng hoặc đến gần hài cốt hay xác người chết, hoặc bị ô uế vì đã đụng chạm vào mồ mả (xem Dân-số Ký 6:6–7; 19:11, 14, 16, 22; 31:19).[12]
Jeffrey H. Tigay cho rằng Phục-truyền Luật-lệ Ký 26:14 xác nhận việc dân Do Thái cổ thực hành việc cúng thức ăn cho linh hồn người chết, như hủ tục đám tang ở vùng Cận Đông cổ.[13] Nhưng điều đáng chú ý là ngoài Phục-truyền Luật-lệ Ký 26:14, Kinh Thánh Cựu Ước yên lặng về vấn đề ngăn cấm cúng hiến thức ăn cho người chết (Thi Thiên 106:28 là một vấn đề khác). Tuy nhiên, một số các học giả không nhìn nhận là người Do Thái cổ đã thực hành tín ngưỡng thờ cúng người chết, trong số đó có Carl Friedrich Keil và Franz Delitzsch. Hai học giả Cựu Ước này cho rằng Phục-truyền Luật lệ Ký 26:14 không hàm ý người Do Thái cổ cúng hiến thức ăn cho linh hồn người chết nhưng chỉ ngăn cấm việc lấy phần hoa lợi đó để làm thức ăn cho những người tham dự marzēaḥ.[14]
Tuy nhiên, bằng chứng về việc cúng hiến thức ăn cho người chết cũng được tìm thấy trong hai bản văn Đệ Nhị Quy Điển (từ của Công giáo), Tô-bi-a và Huấn ca. Về tập tục gia đình của người Do Thái và dân láng giềng thời Cận Đông cổ, việc cung cấp thực phẩm cho người chết có thể được xem như là một tập tục lâu đời; Huấn Ca 7:33 (khoảng 175 TCN) khích lệ việc cúng hiến thức ăn cho người chết:
χάρις δόματος ἔναντι παντὸς ζῶντος, καὶ ἐπὶ νεκρῷ μὴ ἀποκωλύσῃς χάριν (Huấn-ca 7:33 LXX).
Cho người sống cách dư dật; và với người chết, đừng giữ lòng hảo tâm lại.
Trong thời kỳ của Đền Thờ Thứ Nhì (khoảng 250 tới 175 TCN), dấu tích của tập tục cung cấp thức ăn cho người chết tìm thấy trong Đệ Nhị Quy Điển Tô-bi-a. Trong Tô-bi-a 4:17, việc để thức ăn trên mộ của người công bình là việc cần được thực hành như một trong những việc làm đạo đức và từ thiện:
ἔκχεον τοὺς ἄρτους σου ἐπὶ τὸν τάφον τῶν δικαίων καὶ μὴ δῷς τοῖς ἁμαρτωλοῖς (Tô-bi-a 4:17 LXX).
Đổ đầy bánh của con trên mồ mả của người công chính, nhưng không cho những tội nhân.
Keil và Delitzsch ám chỉ rằng từ τάφος trong Tô-bi-a 4:17 có nghĩa là nhà tang/đám tang, nhưng ý nghĩa này chỉ có trong tiếng Hi-lạp cổ dùng trong thơ của Homer khoảng thế kỷ XII và VIII TCN.[16] Vài trăm năm sau, trong LXX và các bản văn của Philo và Josephus, và trong Tô-bi-a (Hes. +; inscr., pap., LXX; Philo, Mos. 2, 291; Jos., Ant. 9, 183; 14, 284), từ τάφος mang ý nghĩa “mồ mả.”
Tóm lại, Phục-truyền Luật-lệ Ký 26:14 của Kinh Thánh Cựu Ước, Tô-bi-a 4:17 và Huấn Ca 7:33 của Đệ Nhị Quy Điển, cũng như các bản văn Ugarit, Elephantine, Punic, Nabatean, Palmyrene, truyền thống Talmud và các di tích khảo cổ tìm thấy trong các ngôi cổ mộ ở Judea và Samaria đã đem lại nhiều câu hỏi về tín ngưỡng thờ người chết và tập tục cung cấp thức ăn cho linh hồn người chết của người Do Thái cổ, tương tự như tập tục thờ cúng ông bà của nhiều người Việt.
[1] Paul D. Hanson, ed. Jeremiah 1: A Commentary on the Book /f the Prophet Jeremiah, Chapters 1–25. Hermeneia (Philadelphia: Fortress Press, 1986), 471.
[2] Xem Zeyad al-Salameen và Hani Falahat, “Two New Nabataean Inscriptions from Wādī Mūsā, with Discussions of Gaia and the Marzēaḥ.” Journal of Semitic Studies 57 (2012): 37–51. Xem thêm Bernhard A. Asen, “The Garlands of Ephraim: Isaiah 28:1–6 and the Marzēaḥ.” Journal for the Study of the Old Testament 71 (1996): 73–87. Xem John L. McLaughlin, The marzēaḥ in the Prophetic Literature: References and Allusions in Light of the Extra-Biblical Evidence. VTSup 86 (Leiden/Boston/Köln: Brill, 2001). Xem thêm King, Philip J. “The Marzeah: Textual and Archaeological Evidence.” Eretz-Israel (1989): 98–106.
[3] Septuaginta. Stuttgart: Deutsche Bibelgesellschaft, 1996. Print.
[4] Liddell, H.G. A Lexicon: Abridged from Liddell and Scott’s Greek-English Lexicon 1996: 367. Print.
[6] Thái độ về sự liên hệ giữa người sống và người chết trong Gióp 14:21 và Truyền Đạo 9:4–6, 10 hoàn toàn trái ngược với 1 Sa-mu-ên 28, 2 Các Vua 13:20–21, Huấn-ca 7:33 và Tô-bi-a 4:17. Theo Gióp 14:21 và Truyền Đạo 9: 4–6, 10 người chết không hiểu biết về công việc của người sống và không có khả năng giúp đỡ người sống.
[7] Xem thêm Elizabeth M. Bloch-Smith, “The Cult of the Dead in Judah: Interpreting the Material Remains.” Journal of Biblical Literature 111 (1992): 223–224. Cũng như Wayne T. Pitard, “The Libation Installations of the Tombs at Ugarit.” Biblical Archaeologist 1994, Vol. 57 (1): 20–37. Xem thêm Daniel I. Block “Beyond the Grave: Ezekiel’s Vision of Death and Afterlife.” Bulletin for Biblical Research 2 (1992): 113-141.
[9] Tham khảo thêm Elizabeth Bloch-Smith, “Burials: Israelite.” Ed. David Noel Freedman. The Anchor Yale Bible Dictionary 1992: 785. Tham khảo William Sailer, et al. Religious and Theological Abstracts. Myerstown, PA: Religious and Theological Abstracts, 2012.
[10] Tham khảo thêm Elizabeth Bloch-Smith, Judahite Burial Practices and Beliefs about the Dead. Vol. 123. Sheffield: Sheffield Academic Press, 1992. Journal for the Study of the Old Testament Supplement Series. Xem thêm Theodore J. Lewis, “The Ancestral Estate (נַחֲלַת אֱלֹהִים) in 2 Samuel 14:16.” Journal of Biblical Literature 110 (1991): 605.
[11] Phục-truyền Luật-lệ Ký 26:14; Dân-số Ký 25:2; 1 Sa-mu-ên 20:6; Giê-rê-mi 16:5–9; Ê-xê-chi-ên 43:7–9; Thi Thiên 16:3–4, 106:28; Ê-sai 8:19, 19:3, 29:4, 57:6–7; 2 Sa-mu-ên 12:15–24; 18:18; 2 Các Vua 9:34–37, 13:20–21; 2 Sử Ký 16:14.
[12] Xem thêm Ian Wilson, “Central Sanctuary or Local Settlement? The Location of the Triennial Tithe Declaration (Dtn 26, 13–15).” Zeitschrift fur die Alttestamentliche Wissenschaft 2008, Vol. 120 (3), tr. 323–340.
[13] Jeffrey H. Tigay, Deuteronomy (JPS Torah Commentary, 1996): 244, 482. Xem thêm Theodore J. Lewis, “Ancestor Worship.” Ed. David Noel Freedman. The Anchor Yale Bible Dictionary 1992. Cũng như Kennedy, Charles A. “Cult of the Dead.” Ed. David Noel Freedman. The Anchor Yale Bible Dictionary 1992.
[14] Keil, Carl Friedrich, and Franz Delitzsch. Commentary on the Old Testament. Vol. 1. (Peabody, MA: Hendrickson, 1996), 957.
[15] Paul D. Hanson, ed. Jeremiah 1: A Commentary on the Book /f the Prophet Jeremiah, Chapters 1–25. Hermeneia (Philadelphia: Fortress Press, 1986), 471.
[16] Keil, Carl Friedrich, and Franz Delitzsch. Commentary, 957.
Daniel Hoàng