Sống Cục Đất, Mất Cục Vàng (Daniel Hoàng)

Sống Cục Đất, Mất Cục Vàng

(Daniel Hoàng, Ph.D.)

Việc thực hành tập tục thờ cúng người chết trong gia đình là một tập tục tín ngưỡng tôn giáo cổ đại đã có từ khi mà nền văn hóa của nhân loại còn sơ khai. Địa điểm khảo cổ Tell es-Sultan (địa danh khảo cổ của thành Giê-ri-cô cổ đại trong Giô-suê 6) là nơi mà các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di tích của người định cư vào khoảng 10.500 T.C.N.  Đây là một trong những địa điểm thuộc thời kỳ Đồ Đá cổ xưa nhất và là một trong những địa điểm định cư liên tục và lâu đời nhất trong lịch sử loài người. Các nhà khảo cổ khai quật tại Tell es-Sultan đã tìm thấy nhiều di tích bằng chứng về tín ngưỡng thờ người chết trong gia đình, một tôn giáo gia đình đầu tiên: những hộp sọ người được chôn dưới sàn nhà và hai nhóm tượng đất sét mô tả một gia đình người chết, gồm có sọ của một người đàn ông, một người phụ nữ và một em bé.

Nhiều văn hóa hiện đại vẫn còn thực hành tập tục thờ cúng thân nhân đã chết cho đến nay.  Cùng với nhiều tập tục và những hủ tục mê tín khác, tín ngưỡng thờ cúng người chết trong gia đình có lẽ đã du nhập và bành trướng mạnh ở Việt Nam vào thời kỳ Bắc thuộc và trở thành một bản sắc văn hóa của người Việt cho đến nay. Vào những ngày giỗ, tết Nguyên đán, lễ Vu lan, những ngày rằm, đặc biệt là đêm giao thừa, người theo tập tục thờ cúng gia tiên tổ chức lễ cúng bái rước hồn ma ông bà từ cõi chết về thăm viếng con cháu. Giàu nghèo đều làm thức ăn để cúng ông bà; giới thượng lưu theo lễ nghĩa mâm cao cỗ đầy của người giàu có; giới lao động tuy đơn sơ nhưng cũng có mâm cỗ và nhang đèn đầy đủ cho người chết.  Năm qua tháng lại, gia đình nào theo tập tục này đều tổ chức lễ cúng ông bà tổ tiên.  Năm nào cũng vậy, trưởng gia đình cũng vất vả trong bộ đồ lễ lụng thụng của khăn đóng áo dài, quần ta và giày đen, đứng trịnh trọng cầu khẩn cúng vái trước bàn thờ tổ tiên, cầu xin bình an hạnh phúc cho con cháu mình. Như những trưởng gia đình người Việt khác, ông rất hạnh phúc trong cảnh sắc quen thuộc của mâm cỗ, hoa quả, nhang đèn, chuông mõ và bộ lư đồng bóng loáng; tất cả các thứ đó đều được gia trưởng cẩn thận đặt đúng vị trí của nó trên bàn thờ như những năm trước.

Nhưng ở cái thế kỷ XXI này, cái hình ảnh cổ truyền đó hầu như đã lỗi thời và chìm theo quá khứ cùng với thời bo bo của mấy chục năm trước.  Thời đại này là kinh tế trên hết, mọi người đều bận rộn xuôi ngược vì cái ép-phê của kinh tế gia đình.  Hơn nữa, việc tổ chức nấu nướng lễ lộc đòi hỏi nhiều công sức và thời gian mà nhiều người không có. Cho nên để giải quyết nhu cầu cúng quảy, nhiều người dùng các dịch vụ trên mạng chuyên việc cung cấp đồ cúng. Các cửa hàng trên mạng có đầy đủ các gói dịch vụ cúng quảy cho khách chọn lựa như: cúng thôi nôi, cúng cô hồn, cúng rước ông bà về, cúng mời ông bà đi, Thanh minh, Vu lan, cúng giỗ đầu, cúng động thổ, và những ngày cúng khác. Như những gian hàng trên mạng của các dịch vụ khác, khách hàng chỉ cần xem “thực đơn,” chọn gói dịch vụ cúng, và bấm chuột là các thứ lễ lộc đồ mã mâm cúng đều được mang đến tận nhà.  Ở Việt Nam, có thể nói thứ gì cũng có! Cúng trực tiếp ở nghĩa địa cũng có gói dịch vụ tết Thanh minh,  người làm dịch vụ sẽ cúng thay cho khách hàng nếu họ bận rộn làm ăn xa không thể có mặt. Để phục vụ nhu cầu của khách hàng, các gói dịch vụ có đầy đủ tam sinh, nhang đèn, giấy ngũ sắc, áo quần vàng mã, và hoa quả các thứ rất tươm tất. Còn hơn thế nữa, nếu khách hàng nào mù mờ về việc cúng bái và không biết ngôn từ thích hợp để đối thoại với người chết như thế nào thì các văn tế khấn nguyện mọi thể loại đều có in ra như truyền đạo đơn để họ chọn lựa, chỉ cần chọn bài văn nào có chút văn thơ hợp “âm vận” là được; cứ thế mà làm. Tuy là mọi việc này đều được làm dưới ánh mặt trời, nhưng cái lẩm cẩm khó phân biệt của sự việc nửa đời nửa đạo, minh dương úp mở, mờ mịt bát ngát của thế giới nhang đèn hương trầm chuông mõ và đồ mã là như thế đó.  Về tập tục thờ cúng ông bà, hai câu ca dao sau có lẽ nói lên phần nào cái giễu của tính chất hoang đường không phải hiếu đạo chân chính của hủ tục thờ cúng dâng thức ăn cho người đã khuất:

Khi sống thì chẳng cho ăn Thác về âm phủ làm văn tế ruồi

Nói như thế thì tìm đâu ra bản sắc văn hóa trong tập tục thờ cúng ông bà? Phần mở đầu của bài viết này mô tả một cái nhìn tiêu cực, cái nhìn từ góc độ của một tín ngưỡng khác biệt, cái nhìn của thái độ biện giáo đơn sơ vỡ lòng của người tập tành đôi ba chữ thần học; nó không phải là cái nhìn từ góc độ nhân văn thuần túy để nhận thấy bản sắc văn hóa của tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt.  Nếu xét cho cùng, thiên hạ ai mà không biết là một năm có bao nhiêu ngày, và người chết không cần thực phẩm để tiếp tục “chết.”  Vậy cho nên, trong cái nhìn tích cực, có lẽ nhiều người đã nhận ra rằng việc thực hành tập tục thờ cúng thức ăn cho ông bà là hành động tỏ bày lòng ghi nhớ ơn ông bà tổ tiên chứ không có ý nghĩa nuôi dưỡng người chết bằng thực phẩm.  Vào ngày giỗ và Tết, việc dọn mâm cỗ, lên hương đèn làm lễ rước ông bà về là hành động có tính chất nhân văn hơn là tín ngưỡng tôn giáo.  Mâm cỗ mang ý nghĩa biểu tượng hành động con cái chăm sóc ông bà như khi còn sống vậy; hàm ý tuy nay ông bà đã chết nhưng con cháu không quên công ơn ông bà đã một đời tận tụy hi sinh và làm bổn phận sinh dưỡng giáo dục con cái của mình một cách tốt lành trọn vẹn.  Ngày nay có một số người Tin Lành Việt đã nghiệm ra cái tính chất nhân văn của ngày giỗ, nên mỗi năm họ giữ phong tục tổ chức ngày giỗ cho người thân đã về với Chúa, không bàn thờ, không cúng bái thờ lạy, chỉ có tưởng nhớ kỷ niệm, chỉ có tề tựu sum vầy ăn uống trong đại gia đình trong Chúa.

Như thế đó, cái vùng xám xịt mù mờ của khái niệm thần học giữa “người Cơ Đốc trong Kinh Thánh” và “người Cơ Đốc Việt trong Kinh Thánh” phải được phân biệt rõ ràng để làm thần học Thánh Kinh một cách đúng đắn trong bối cảnh văn hóa của người Việt.

Về phương diện truyền giáo, tập tục thờ cúng ông bà tổ tiên vẫn còn là một trở ngại lớn cho mục vụ truyền giáo ở Việt Nam cũng như Trung Hoa ngày nay, đặc biệt là cho các giáo phái Tin Lành.

Về vấn đề thờ cúng ông bà trong hoạt động truyền giáo, xem lại vài nét lịch sử truyền giáo quan trọng ở Trung Quốc hơn 400 năm trước đây. Đầu thế kỷ XVII, Giáo sĩ Matteo Ricci, thuộc dòng Jesuit, truyền giáo hơn 20 năm ở Quảng Châu và Bắc Kinh.  Ricci cho phép người Trung Quốc mới theo đạo được tiếp tục thờ cúng ông bà tổ tiên, vì ông cho rằng đó là tập tục hoàn toàn có tính chất nhân văn hơn là tôn giáo. Quyết định của ông giải quyết được vấn đề khác biệt văn hóa và đem lại rất nhiều tín đồ theo Công giáo.  Tuy nhiên, vì số người Trung Quốc theo đạo quá nhiều cho nên triều đình Khang Hi lo ngại và tìm cách ngăn chặn làn sóng truyền giáo. Cùng khoảng thời gian đó, các giáo sĩ Công giáo Dominicans và Franciscans cũng sang Trung Quốc truyền giáo.  Cạnh tranh với các linh mục dòng Jesuit, các linh mục Dominicans và Franciscans cho rằng tập tục thờ cúng tổ tiên là một hình thức tôn giáo thờ thần tượng; họ nộp đơn khiếu nại với Vatican và được Đức Giáo Hoàng Innocent X chấp thuận.  Năm 1704, Vatican ra lệnh cấm giáo dân thờ cúng tổ tiên; Khang Hi phản ứng, cho rằng thờ cúng tổ tiên là hành động bày tỏ lòng hiếu thảo tôn kính ông bà cho nên người theo tôn giáo nào cũng có thể thực hành tập tục này.  Khang Hi ra lệnh cấm đạo và trục xuất các linh mục.[1]

Tại Việt Nam, nguyên nhân cấm đạo thời triều Nguyễn vào thế kỷ XIX là vì Minh Mạng lo sợ thực dân Pháp mượn tôn giáo để xâm chiếm đất nước.  Minh Mạng cũng muốn bảo tồn văn hóa cổ truyền của tập tục thờ cúng ông bà tổ tiên; nhà vua ra dụ:

Cái thuyết thiên đường, tóm lại chỉ là chuyện hoang đường, không có, không có bằng chứng. Hơn nữa nếu không kính thần minh, không thờ tổ tiên thì rất trái với chính đạo. Những việc trái luân lý, hại phong hóa, điều ấy kể ra còn nhiều, thực ra đã phạm đến pháp luật. Đạo ấy quy là tà đạo hơn đạo nào hết.[2]

Xét trong góc độ tích cực của tính chất nhân văn của việc thực hành thờ cúng tổ tiên, từ việc thờ cúng các vua trong Đền Hùng,  Thành Hoàng trong đình làng, đến thờ cúng ông bà tộc họ tại nhà hương hỏa, cho đến sự thờ cúng người thân cha mẹ vợ chồng đã khuất trên bàn thờ gia đình, tập tục thờ cúng người đã khuất của người Việt thể hiện được cá tính và bản chất nhân văn hiền hòa của người Việt: yêu nước và tự hào cội nguồn, gìn giữ truyền thống tục lệ thôn làng, nhớ ơn ông bà, hiếu thảo cha mẹ, thủy chung vợ chồng, và gắn bó đại gia đình.  Nhìn theo góc độ an ninh trật tự xã hội Đại Nam lúc bấy giờ, bốn cấp bậc trong tập tục thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt thể hiện toàn bộ cơ cấu xã hội; nó là một phương tiện văn hóa kích động sự kết nối và xây dựng tinh thần đoàn kết của một quốc gia.  Từ cấp bậc trấn, phủ, huyện, xã, cho đến thôn làng và gia đình, bao gồm đủ các thành phần lớn nhỏ trong nước.  Dưới góc cạnh đó, các sắc dụ cấm đạo của Minh Mạng nhằm bảo vệ cơ cấu xã hội, mà bảo vệ cơ cấu xã hội là bảo vệ an ninh trật tự quốc gia và bảo vệ đất nước.  Trong hệ thống cơ cấu xã hội cổ truyền đó, Minh Mạng cho rằng Cơ Đốc giáo không nằm trong thành phần của cơ cấu xã hội của người Việt vì đạo đó không kính thần minh (không kính ma quỷ vì không chấp nhận đa thần) và không thờ tổ tiên (không thờ nhân thần, người chết). Cho nên, về phương diện văn hóa, cấm đạo là một cuộc chiến tranh văn hóa tôn giáo Đông và Tây; về phương diện chính trị, cấm đạo liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ khuôn khổ của hệ thống cơ cấu xã hội bằng cách bảo vệ văn hóa cổ truyền, dùng cái cổ truyền trong nước để chống lại cái mới lạ đến từ bên ngoài.

Nhưng trong góc độ khác, việc cấm đạo là một hành động ngu dân hại nước độc đoán của thời phong kiến.  Cấm đạo gìn giữ tập tục thần thánh hóa ngôi vị vua chúa và quan lại nhằm bảo vệ quyền lợi của nhóm tổ chức cai trị.  Tuy có công mở rộng đất nước, cái không hay của Triều đình Nguyễn là cấm đạo và bế quan tỏa cảng làm cản trở sự học hỏi trau dồi kiến thức, tự cô lập và làm chậm bước tiến của dân tộc.  Xưa và nay, trong chế độ phong kiến và những tổ chức cầm quyền độc tài chuyên chế tương tự, tiến trình dân trí liên quan trực tiếp đến tiến trình phong hóa của những chế độ này.  Sắc dụ cấm đạo cho rằng người dân không có đủ trí khôn để tự mình chọn lựa đường hướng tâm linh cho chính mình. Các sắc dụ cấm đạo được Minh Mạng ban ra sau khi lên ngôi năm 1820; trước đó tám năm, phía bên kia bờ đại dương, trong một lá thơ gửi cho Benjamin Rush năm 1812, John Adams viết “Nothing is more dreaded than the national government meddling with religion.”  Cùng một thế hệ, vua Minh Mạng và Tổng thống thứ nhì của Hoa Kỳ John Adams ở cách xa nhau ngàn dặm về địa điểm và về chính sách của một nguyên thủ quốc gia. Sau hơn 200 năm, hậu quả của hai chính sách khác nhau này không cần phải được bàn đến.

Trở lại vấn đề, có phải việc thờ cúng ông bà tổ tiên mang tính chất nhân văn, nghĩa là nó mang tính chất tưởng niệm truy ơn, yêu nước, kính hiếu, chung thủy, tề tựu sum họp gia đình nhiều hơn là tính chất “thờ cúng” của tín ngưỡng đạo giáo tôn thờ người chết?  Điều mà việc thực hành tập tục thờ cúng ông bà đã tạo nên sự căng thẳng với Kinh Thánh không phải là tính chất nhân văn của tập tục này nhưng mà vì hình thức và ý nghĩa tín ngưỡng trong việc cúng bái của nó.  Bản chất cốt lõi không thể xê dịch một Chúa một đấng Trung Bảo của Tin Lành (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3, 1 Ti-mô-thê 2:5, 1 Cô-rinh-tô 8:4) không chấp nhận tập tục thờ cúng ông bà tổ tiên vì cho rằng thờ cúng ông bà là một hình thức tín ngưỡng đa thần, một đạo giáo thờ cúng thần tượng.

Tương tự như tín ngưỡng của đa số người Việt, tập tục cung cấp thức ăn cho gia tiên trong thế giới Cận Đông cổ đại cũng rất thịnh hành (xin đón xem loạt bài viết kế tiếp).


[1] Moore, Edward Caldwell. “The Naturalization of Christianity in the Far East.” The Harvard Theological Review I.3 (1908): 275–276.  Xem thêm Cooper, Alan; Goldstein, Bernard R. “The Cult of the Dead and the Theme of Entry into the Land.” Biblical Interpretation 1993, Q. 1 (3), tr. 285–303.  Tham khảo Theodore J. Lewis, Cults of the Dead in Ancient Israel and Ugarit, HSM 39. Atlanta: Scholars Press, 1989.

[2]Đỗ Bang, “Chính Sách Của Triều Nguyễn Đối Với Thiên Chúa Giáo,” VNH3.TB1.75, tr. 2.  Xem Trương Bá Cần, “Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Việt Nam,” Nguyệt san Công Giáo và Dân Tộc, số 118 tháng 10/2004, tr. 90–144.

Daniel Hoàng

Spread the word. Share this post!

error: Content is protected !!