Nhịp Và Vần Của Thơ Hê-bơ-rơ (Daniel Hoàng)

      Vấn Đề Nhịp Và Vần Của Thơ Hê-bơ-rơ Trong Kinh Thánh (Daniel Hoàng).
 
Chúng ta có thể nhận ra sự khác biệt giữa văn xuôi, thơ tự do, và vần khi chúng ta nghe hoặc đọc một tác phẩm của Khái Hưng, Lưu Trọng Lư, hay Bà Huyện Thanh Quan vì những tác phẩm này được viết, trình bày, đọc, hoặc ngâm nga bằng tiếng Việt.  Ví dụ, một đoạn trong Anh Phải Sống:
Hai vợ chồng bắt đầu đưa thuyền ra giữa dòng, chồng lái, vợ bơi. Cố chống lại với sức nước, chồng cho mũi thuyền quay về phía thượng du, nhưng thuyền vẫn bị trôi phăng xuống phía dưới, khi nhô khi chìm, khi ẩn khi hiện trên làn nước phù sa, như chiếc lá tre khô nổi trong vũng máu, như con muỗi mắt chết đuối trong nghiên son.[1]
      Một cách bao quát, văn xuôi mang tính chất mô tả và kể lể, cấu trúc cú pháp của văn xuôi nói chung không phức tạp và đơn giản theo quy luật văn phạm chủ-vị phổ thông.  Thông thường trong văn xuôi, từ vựng dùng trong bản văn là những từ phổ thông mà chúng ta quen thuộc hàng ngày.  Đơn vị cốt lõi của văn xuôi là câu, được hoàn tất ‎ý nghĩa.  Về phép cấu trúc ngôn pháp, hay cách thành lập câu, văn xuôi được viết tự do gồm có câu dài và câu ngắn, và số chữ và mệnh đề dùng trong câu thì linh hoạt theo cảm hứng và nghệ thuật ngôn từ của tác giả.
     Cũng như văn xuôi, luận về thơ tự do và vần tưởng không cần thiết trong bài viết này vì người Việt mới khi lọt lòng thì đã học về thơ qua lời ca tiếng hát ca dao ru con à ơi của mẹ.  Tuy nhiên, để cho bài viết được hoàn chỉnh, tưởng cũng nên nhắc lại vài tính chất căn bản của vần và thơ.  Về tính chất của thơ, Roman Jakobson cho rằng thơ liên quan trực tiếp đến vấn đề cấu trúc ngôn từ, cũng giống như việc phân tích một bức tranh liên quan đến cấu trúc hình ảnh. Vì ngôn ngữ học là khoa học toàn cầu về cấu trúc ngôn từ, nên thơ có thể được xem là một phần không thể tách rời của ngôn ngữ học.[2]
     Muốn định nghĩa thơ, tưởng chừng khó như đuổi bóng, ta chụp được hình ảnh này lại vuột hỏng hình ảnh nọ vì tính chất đa dạng của nó.[3]  Người đọc thường tìm thấy trong nhiều bài thơ những thuật tu từ, câu thơ thì ngắn gọn; các giới từ, mạo từ, đôi khi động từ thường không được thi sĩ dùng, cho như là dư thừa.  Nhà thơ cô đọng hóa ý tưởng của mình lại trong những câu vắn tắt vài chữ, để tạo nên, ví dụ, một bức tranh hoài niệm trong một đoạn Tràng Giang của Huy Cận:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc…
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
     Thơ là kết quả của năng khiếu cảm hứng của tư duy được thể hiện trên dạng và âm thanh của chữ.  Thơ cũng có thể được xem như là tinh túy của ngôn ngữ cô đọng. Thơ là văn chương có quy luật thanh vận hài hòa nhưng không nhất định. Thơ là ngôn từ của tâm linh dùng để mô tả những hiện tượng ngoài ngôn ngữ phổ thông.  Tất cả những tính chất trên đều được nhà thơ thể hiện với nghệ thuật ngôn từ đặc thù của riêng mình, bằng cách cấu trúc chữ và âm thanh của từng mỗi câu của bài thơ theo cảm hứng sáng tác.  Ý thơ đôi khi phức tạp và đa dạng, nhà thơ tạo nên nét vẽ của bức tranh thơ và mỗi người đọc đều tự hoàn tất bức tranh của bài thơ đó theo cảm nhận riêng của mình.  Thơ cũng có phong cách bình dị, đơn sơ, nhẹ nhàng và cân bằng như Tiếng Thu, một tuyệt tác, một đỉnh cao nghệ thuật ngôn từ của Lưu Trọng Lư:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
     Khác với thơ không vần đương nhiên là vần.  Vần thì quy phạm tỉ mỉ, có cung cách như là cụ đồ nho mô phạm thần thái và uyên bác.  Vần nằm trong giới hạn của các quy luật của hệ thống khuôn mẫu về âm vị và cú pháp nhất định nào đó.  Vần cũng như thơ, chỉ tuân theo quy luật văn phạm phổ thông khi cảm hứng.  Vần dạng lục bát hoặc các dạng khác như Đường và Song thất lục bát, được sáng tác trong các quy định vần luật mà chúng ta người Việt đa số ai cũng học qua trong những năm văn phạm. Tính chất chính của vần là tính quy phạm khuôn mẫu và ngắn gọn, ngắt bỏ các giới từ, đôi khi ngay cả động từ và chủ từ cũng phải được hiểu ngầm để cô đọng hóa tư tưởng cách ngắn gọn.  Sự tương ứng về ngữ âm, ngữ nghĩa, và ngữ pháp trong thơ luật Đường là tính chất song hành nổi bật của nó.  Nét độc đáo của Vần là tính chất phóng khoáng tinh túy của ngôn ngữ được cô đọng ngắn gọn lại theo quy luật định trước, như là món quà quí giá được gói gọn trong một hộp giấy nhỏ vừa đủ để chứa đựng giá trị lớn của món quà:
Thăng Long Thành Hoài Cổ
(Bà Huyện Thanh Quan)
 Tạo hoá gây chi cuộc hý trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn chau mặt với tang thương.
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
     Vậy dựa vào các nhận xét sơ lược trên về thơ và vần: về dạng trình bày, về tính chất ngắn gọn, từ vựng chọn lọc theo văn hóa, ngữ pháp đặc thù, cách chọn câu, thuật tu từ, số chữ nhất định trong câu, hài hòa về thanh và vần, cách liên kết từ, liên kết câu, nhịp điệu, v.v…  mà chúng ta khi nghe và đọc thì phân biệt được văn xuôi, thơ, hay vần.
     Nhưng khi học và nghiên cứu bản văn thơ Hê-bơ-rơ trong Kinh Thánh chúng ta không thể phân biệt được đó là thơ, vần, hay văn xuôi một cách dễ dàng; nguyên nhân rất đơn giản là vì chúng ta không biết nhiều về văn thơ Hê-bơ-rơ.  Tuy rằng các tài liệu văn chương tìm thấy ở vùng Lưỡng Hà và các bản văn Ugaritic thuộc cuối thời kỳ đồ đồng đã đem lại cho các học giả một kho tàng văn chương tôn giáo phong phú cho việc nghiên cứu văn chương Kinh Thánh.  Tương tự, các bản văn xuôi và thi ca được tìm thấy ở Judaean Desert là những kho tàng khảo cổ cho chuyên gia nghiên cứu thơ Hê-bơ-rơ.  Tuy nhiên chúng ta chưa biết nhiều về nguồn gốc, hình thức, thi pháp, ngữ âm, và chức năng của vần/thơ trong Kinh Thánh.
     Về nguồn gốc, một đề thuyết được nhiều học giả ủng hộ là văn thơ Kinh Thánh có thể bắt nguồn từ giai đoạn sơ khai của dân Do Thái cổ đại trước lập quốc. Thi ca Hê-bơ-rơ phát xuất từ những lời cầu nguyện quen thuộc của người Do Thái xa xưa; những bài thơ và bài cầu nguyện trước thì được lưu hành trong vòng gia đình và láng giềng bạn bè, sau đó những bài xuất sắc cho là phù hợp với văn hóa hoặc tín ngưỡng thì được lưu truyền bằng miệng trong dân gian từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, dần dần được thay đổi và sao chép lại thành văn bản.[4]  Khi tín ngưỡng gia đình thôn làng được thể chế hóa thì các bản văn thơ Hê-bơ-rơ cũng được lễ thức hóa, và được phân loại để dùng trong nghi lễ theo chức năng và hình thức của bài thơ.  Hát Xoan, luận về thuần túy văn hóa, là nét văn hóa độc đáo của Phú Thọ được UNESCO công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn, có thể cũng có một tiến trình tương tự.
     Việc tìm hiểu các hình thức văn chương thi ca ban đầu của câu Kinh Thánh cổ xưa đó đòi hỏi học giả phải có một kiến ​​thức đầy đủ về hệ thống thi luật của ngôn ngữ Kinh Thánh.  Không những như vậy, vì ngôn ngữ thì biến dạng thay đổi theo thời gian, cho nên ngoài khả năng phải có về kiến thức ngôn ngữ Hê-bơ-rơ cổ, học giả còn phải am tường âm vị và hệ thống vần của thơ Do Thái cổ đại.  Đáng tiếc, kiến thức về ngữ âm, âm vị học, về thơ cổ xưa đó có thể chưa được triển khai khi đó, hoặc người Do thái cổ chưa hệ thống hóa ngữ âm và hệ thống vần, hoặc có nhưng chỉ lưu truyền bằng miệng không văn bản cho nên chúng ta không có tài liệu nào về nghệ thuật ngữ âm cổ xưa của thơ Hê-bơ-rơ.
     Những gì chúng ta có liên quan đến hình thức ngữ âm vị của thi văn Hê-bơ-rơ trong bản in Biblia Hebraica Stuttgartensia (BHS, phiên bản ấn hành hiện đại của Masoretic Text, MT) hiện đại là hệ thống dấu ngữ âm và hệ thống âm vị phổ thông Tiberian Masoretic được hoàn thành vào khoảng 1.000 AD. Vì thế cho nên, cách phát âm của hệ thống ngữ âm truyền thống Tiberian Masoretic và hệ thống ngữ âm tiếng Hê-bơ-rơ xưa cổ có thể có sự khác biệt vì khoảng cách thời gian hơn một ngàn năm.[5]   Bằng chứng là ngay cả trong vòng các cộng đoàn Masoretes, gia tộc Masoretes ben Asher và gia tộc ben Naphtali cũng có những khác biệt trong hệ thống ngữ âm.  Cho nên, một bài thơ nào đó mà ta có được trong dạng văn bản hiện nay, có thể mang hai dạng âm vị khác nhau: 1) dạng nguyên thủy truyền miệng, thuộc dạng ngữ âm có hệ thống âm vị, trường độ và cường độ của âm ngữ cổ, và 2) dạng ngữ âm thơ Hê-bơ-rơ phổ thông mang hình thức văn bản chữ viết phổ thông được sao chép trong dạng truyền thống Tiberian Masoretic mà ta có ngày nay.
     Hệ thống dấu nhấn (accent marks) Tiberian Masoretic là hệ thống dấu âm vị đánh dấu trọng âm của âm tiết.  Tuy nhiên, điều này cũng mang đến nhiều tranh luận trong vòng một số học giả.  Hệ thống dấu nhấn này có phải được dùng để bảo tồn truyền thống ngâm hát (cantillation), hay là hệ thống dấu âm vị chỉ trường độ của nhịp nghỉ?  Hay nó là hệ thống cú pháp được dùng để đánh dấu sự quan hệ giữa các cụm từ trong một câu?  Hay là tất cả những chức năng trên?  Các nhà ngôn ngữ học nhận biết rằng ngữ âm và ngữ nghĩa có một mối tương quan mật thiết.  Sự tương giao của hai phạm trù ngôn ngữ này có được thể hiện rõ ràng trong văn bản thi ca Hê-bơ-rơ (xuyên qua ký hiệu hệ thống dấu nhấn), hay chỉ có thể hiện được trong đàm thoại (âm thanh của chữ)?
     Một cách sơ lược, trong bài viết này, nhịp điệu được cấu tạo bởi các thành tố âm vị theo một khuôn mẫu của một mô hình tuần hoàn, được lập đi lập lại, nào đó.  Khuôn mẫu nhịp điệu đó có thể được cấu tạo bằng các âm tiết, các trọng âm, các trường âm, hoặc các cường âm.  Nhịp điệu, trong bài viết này, là khuôn mẫu tuần hoàn của những tương ứng và phối hợp của trọng âm và âm tiết trong một câu Vần.
     Trong việc tìm kiếm một mô hình của hệ thống ngữ âm vị để mô tả vần trong Kinh thánh Hê-bơ-rơ, các học giả dùng nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau để xác định mô hình khuôn khổ ngữ âm – âm vị của vần, đặc biệt là hệ thống âm vị vần của một khuôn mẫu, và theo khuôn mẫu đó, các âm tiết và trọng âm đã được dùng một cách tuần tự để cấu trúc nhịp vần của bài thơ.  Học giả Kinh Thánh và các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu về chủ đề âm vị và vần luật liên tục trong nhiều thế kỷ qua; đa số là người Đức, các học giả này cho rằng các loại mô hình của hệ thống thi pháp thuộc phạm trù âm ngữ có thể xác định được bằng cách đếm con số các trọng âm, con số các âm tiết, hoặc con số chữ trong mỗi câu thơ.
     Mô hình được phổ biến nhất lúc bấy giờ là mô hình đếm con số các trọng âm được dùng trong mỗi câu thơ. Mô hình này do hai học giả người Mỹ nổi tiếng trong chuyên khoa thơ Hê-bơ-rơ và Dead Sea Scrolls, Frank Moore Cross và David Noel Freedman.
Ví dụ Xuất Ê-díp-tô Ký 15:1b (2 + 2):[6]
אָשִׁ֤ירָה לַֽיהוָה
כִּֽי־גָאֹ֣ה גָּאָ֔ה
ס֥וּס וְרֹכְבֹ֖ו
רָמָ֥ה בַיָּֽם
Tôi sẽ hát cho Yahweh
Vì Ngài được tôn vinh cao cả
Ngựa và người cưỡi nó
Ngài quăng xuống biển
 
Xuất Ê-díp-tô Ký15:3 (2 + 2):
יְהוָ֖ה אִ֣יש מִלְחָמָ֑ה
 יְהוָ֖ה שְׁמֹֽו
Yahweh là một chiến sĩ
Yahweh là tên của Ngài
Xuất Ê-díp-tô Ký15:5 (3 + 3):
 תְּהֹמֹ֖ת יְכַסְיֻ֑מוּ + בְּלֶב־יָֽם  
יָרְד֥וּ בִמְצֹולֹ֖ת כְּמֹו־אָֽבֶן׃
Nước sâu phủ ngập họ + trong lòng biển
Và họ chìm xuống vực sâu như hòn đá
     Tuy nhiên, hầu hết các giả thuyết về mô hình vần luật đưa lên đều không minh xác được và chỉ có thể áp dụng một cách rời rạc trong một vài phân đoạn thơ và không thể hiện được đa số các thi văn Hê-bơ-rơ (trong ví dụ trên, Cross phải xóa hoặc cho thêm chữ vào nguyên văn của Xuất Ê-díp-tô Ký 15:2, và 15:3, chữ màu đỏ, để hợp vận theo mô hình vần luật mà mình đề xuất).  Mặc dù vậy, những nghiên cứu về âm vị vần luật mang lại cho chúng ta thêm một số hiểu biết về âm vị học, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn.  Sự khai triển của các mô hình lý thuyết khác nhau, mỗi mô hình đều có một kỹ thuật tiếp cận khác nhau, cho ta thấy âm vị vần luật là một chủ đề tạo ra nhiều tranh luận trong các học giả Kinh Thánh và chuyên gia ngôn ngữ học về thơ Hê-bơ-rơ.[7]  Cho nên việc nghiên cứu âm vị vần luật thơ Hê-bơ-rơ và các mô hình do các nhà ngôn ngữ học và nhà thánh kinh học đã đưa ra không đem lại một kết quả có mức độ phân tích hợp lý và thống nhất.  Bằng chứng cụ thể là: 1) không có sự đồng thuận trong các công trình nghiên cứu về vấn đề âm vị vần luật trong thơ Hê-bơ-rơ, 2) các mô hình đưa lên chỉ có thể thực hiện được một cách rời rạc trong một vài phân đoạn thơ, và 3) đại đa số các câu thơ thì không được cấu tạo theo khuôn mẫu của các mô hình được đề xuất.
     Nhận xét trên cho chúng ta thấy rằng việc tìm kiếm khuôn mẫu và mô hình âm tiết và trọng âm nào đó, là dạng mô hình mang tính chất nhất quán, chính xác, và thông dụng để có thể định nghĩa và thực hành được trên một tập văn phẩm thi ca cổ đại tổng hợp và đa dạng được bảo tồn bởi các nhà sao chép Masoretes là một việc làm quá khó khăn, có thể nói là không thể làm được.  Ngoại trừ khám phá mới trong tương lại chứng minh ngược lại, có thể kết luận là thơ Hê-bơ-rơ không được cấu tạo theo dạng khuôn khổ của quy định âm vị vần luật nào cả.[8]
 
Thư Mục
Cross, F. M., and D. N. Freedman.  Studies in Ancient Yahwistic Poetry.  Missoula, MT: Scholars Press, 1975
Freedman, D. Noel. “Archaic Forms in Early Hebrew Poetry.” ZAW 72 (1960) 101-07.
______.  “Divine Names and the Titles in Early Hebrew Poetry.”  In Magnalia Dei: The Mighty Acts of God.  Ed. Frank Moore Cross, 55-107.  New York: Doubleday, 1976.
______.  “Pottery, Poetry and Prophecy, an Essay on Biblical Poetry.”  JBL 96.1 (1977) 5-26.
Gerstenberger, Erhard.  S. “Theologies in the Book of Psalms.”  In Book of Psalms: Composition and Reception.  Ed. Peter W. Flint and Patrick Miller, 604-25. VTSup 99.  Boston: Brill, 2005.
______. “Theologies in the Book of Psalms.”  Trong Book of Psalms: Composition and Reception.  Biên tập Peter W. Flint, Patrick D. Miller, và Aaron Brunell, 603-27. Leiden, Netherlands: Brill, 2005.
Gray, George Buchanan.  The Forms of Hebrew Poetry Considered with Special Reference to the Criticism and Interpretation of The Old Testament.  New York, New York: Hodder and Stoughton, 1915.
Gunkel, H., và J. Begrich.  Introduction to Psalms: The Genres of the Religious Lyric of Israel.  James D. Nogalski phiên dịch.  Macon, Georgia: Mercer University Press,   1998.
Holladay, William L. “Hebrew Verse Structure Revisited (I): Which Words Counted?” JBL 118/1 (1999) 19-32.
______ “Hebrew Verse Structure Revisited (II): Conjoint Cola, and further Suggestions.” JBL 118/3 (1999) 401-16.
Jakobson, Roman.  “Grammatical Parallelism and its Russian Facet.”  Language 42 (1966) 399-429.
______.  “Poetry of Grammar and Grammar of Poetry.”  Lingua 21 (1968) 597-609.
Joüon, Paul.   A Grammar of Biblical Hebrew.  2 Q.  SB 14.  T. Muraoka phiên dịch. Editrice Pontifico Istituto Biblico: Rome, 1996.
Keel, Othmar.  The Symbolism of the Biblical World: Ancient Near Eastern Iconography and the Book of Psalms.  T. J. Hallet phiên dịch.  New York: Seabury, 1978.
Keil, C. F., và F.  A. Delitzsch.  Psalms.  COT 5.  Phiên dịch Francis Bolton.  Edinburgh: T & T Clark, 1886-91.  Tái bản, Peabody, Massachusetts: Hendrickson Publisher, Inc. 1996.
Khái Hưng, Anh Phải Sống. Hà nội: Đời Nay, 1934.
Kirkpatrick, A. Francis.  The Book of Psalms.  Grand Rapids, Michigan: Baker Book  House, 1982.
Kosmala, Hans.  “Form and Structure in Ancient Hebrew Poetry: A New Approach.” Trong Poetry in the Hebrew Bible: Selected Studies from Vestus Testamentum.  David E. Orton biên tập, 425−45.  Boston: Brill, 2000.
Kraus, Hans-Joachim.  Psalms.  2 Q. H. C. Oswald phiên dịch.  Minneapolis, Minnesota: Fortress Press, 1993.
______. Theology of the Psalms.  Keith Crim phiên dịch.  Minneapolis, Minnesota:  Augsburg Publishing House, 1986.
Kugel, James L. The Idea of Biblical Poetry: Parallelism and its History.  New Haven, Connecticut: Yale University Press, 1981.
Kuntz, J. K.  “Biblical Hebrew Poetry in Recent Research, Part I.”  CR:BS 6 (1998) 31−64.
______. “Biblical Hebrew Poetry in Recent Research, Part II.” CR:BS 7 (1999) 35−79.
Lowth, Robert.  Lectures on the Sacred Poetry of the Hebrews.  G. Gregory phiên dịch. 1839.  Tái bản, Whitefish, Montana: Kessinger Publishing, 2004.
Mullen, E.T. The Assembly of the Gods, HSM 24. Chico, CA: Scholars Press, 1986.
O’Connor, Michael Patrick.  Hebrew Verse Structure.  Winona Lake, Indiana: Eisenbrauns, 1980.
______. Contour of Biblical Hebrew Verse: An Afterword to Hebrew Verse Structure.  Winona Lake, Indiana: Eisenbrauns, 1997.
Pardee, Dennis.  Ugaritic and Hebrew Poetic Parallelism: A Trial Cut (cnt 1 and Proverbs   2).  VTSup 39.  Leiden, Netherlands: Brill, 1988.
______.  “Ugaritic and Hebrew Metrics.”  In Ugaritic in Retrospect: Fifty Years of Ugarit  and Ugaritic.  Chủ bút G. D. Young, 113-30.  Winona Lake, Indiana: Eisenbrauns, 1981.
______.  “The Semantic Parallelism of Psalm 89.”  In Shelter of Elyon: Essays in Honor of G. W. Ahlström.  Chủ bút W. B. Barrick and J. R. Spencer, 121−37. JSOTSup 31.  Sheffield: JSOT Press, 1984.
______.  Review of Michael P. O’Connor, Hebrew Verse StructureJNES 42/4 (1983) 298-301.
Pomorska K. và Stephen Rudy, biên tập, Language in Literature, Cambridge, Massachusetts: Harvard University Press, 1987.
Prickett, S. “Robert Lowth and the Idea of Biblical Tradition.” Trong Sacred Conjectures: the Context and Legacy of Robert Lowth and Jean Astruc.  Biên tập John Jarick, 48- 61.  LHBOTS 457.  London/New York: Clark, 2007.
Rahlfs, A. Biên tập. Septuaginta.  Stuttgart: Deutsche Bibelgesellschaft, 1979.
Revell, E. J. “Biblical Punctuation and Chant in the Second Temple Period.”  JSJPHRP 7 (1976) 181−98.
______.  “Pausal Forms in Biblical Hebrew: Their Function, Origin, and Significance.” JSS 25 (1980) 165−79.
______. “Sign and Sound in the Study of Written Texts.”  CJL 13 (1967) 24−30.
______. “A New Biblical Fragment with Palestinian Vocalization.” Textus 7 (1969) 59−75.
______. “The Placing of the Accent Signs in Biblical Texts with Palestinian Pointing.” In Studies on the Ancient Palestinian World edited by J. W. Wevers and D. B. Redford, 34-45.  Toronto: University of Toronto Press, 1972.
______.  “The Oldest Evidence for the Hebrew Accent System.”  Bulletin of the John Rylands Library 54 (1971) 214−222.
Thụy Khê, “Cấu Trúc Thơ,” Chim Việt Cành Nam. 9/15/2017,  http://chimviet.free.fr/vanhoc/thuykhue/cautructho/tua.html.
Watson, Wilfred G. E.  Classical Hebrew Poetry: A Guide to its Techniques.  JSOTSup 26.  Sheffield, England: JSOT Press, 1984.
______.  Traditional Techniques in Classical Hebrew Verse.  JSOTSup 170.  Sheffield, England: JSOT Press, 1994.
Würthwein, E.  The Text of the Old Testament.   E. F. Rhodes phiên dich.  Grand Rapids,  Michigan: Eerdmanns, 1995.
[1] Khái Hưng, Anh Phải Sống (Hà nội: Đời Nay, 1934), Việt Nam Thư Quán, 20 tháng 6 năm 2018, http://vnthuquan.org/truyen/truyen.aspx?tid= 2qtqv3m3237nnn2nvn1n31n343tq83a3q3m3237nvn.
[2] K. Pomorska và Stephen Rudy, biên tập, Language in Literature (Cambridge, Massachusetts: Harvard University Press, 1987), 63.
[3] Xem thêm, Thụy Khê, “Cấu Trúc Thơ,” Chim Việt Cành Nam, 12 tháng 7 năm 2018,  http://chimviet.free.fr/vanhoc/thuykhue/cautructho/tua.html.
[4] Erhard S. Gerstenberger, Psalms: Part 1 with an Introduction to Cultic Poetry (FOTL 14; Grand Rapids: Eerdmans, 1988), 5−35.  Cùng tác giả “Theologies in the Book of Psalms,” trong The Book of Psalms: Composition and Reception, VTSup 99, biên tập Peter W. Flint và Patrick Miller; (Boston: Brill, 2005), 604−25.
[5] Tham khảo E. J. Revell, “Biblical Punctuation and Chant in the Second Temple Period,” JSJ 7 (1976), 181−98.  Cùng một tác giả “Pausal Forms in Biblical Hebrew: Their Function, Origin, and Significance,” JSS 25 (1980), 165−79.  Xem thêm E. Würthwein, The Text of the Old Testament (phiên dịch E. F. Rhodes; Grand Rapids, Michigan: Eerdmans, 1995), 11−44.  Cũng như, Revell, E. J. “The Oldest Evidence for the Hebrew Accent System.” Bulletin of the John Rylands Library (1971-72), 54:214−22.
[6] Trong hai ví dụ sau, Cross phải thêm hoặc bỏ bớt từ để các câu thơ có thể hợp vần 2+2 và 3+3.  Xem Cross, Frank Moore và David Noel Freedman, Studies in Ancient Yahwistic Poetry (Missoula, MT: Scholars Press, 1975), 35.  Mô hình “accent-counting”này là kết quả của sự nghiên cứu của J. J. Bellerman, Karl Budde, Edward Sievers “Metrische Studien,” và “Studien zur beb raischen Metrik” trong Abhandlungen der philhist. Classe der kanigtich sachsischen Gesellschaft der Wissenschaften (1901); cũng như trong Hebrew Genesis Rhythmically Arranged (1904).  Julius Ley, trong Grundzüge des Rhythmus, des Vers- und Strophenbaues in der hebraischen Poesie,1875.  Liệt kê trên là các sách của các học giả Đức được W. G. E. Watson trích dẫn trong, Classical Hebrew Poetry: A Guide to its Techniques (JSOTSup 26; Sheffield: JSOT Press, 1984), 97−98.  Cùng tác giả, “Problems and Solutions in Hebrew Verse: A Survey of Recent Work,” VT 43 (1993), 380.
[7]Gray, George Buchanan, The Forms of Hebrew Poetry Considered with Special Reference to the Criticism and Interpretation of The Old Testament (New York, New York: Hodder and Stoughton, 1915), vi.  Xem thêm, Johannes C. de Moor’s “The Art of Versification in Ugarit and Israel: The Rhythmical Structure,” trong Studies in Bible and the Ancient Near East Presented to Samuel E. Loewenstamm on his Seventieth Birthday (Yitschak Avishur và Joshua Blau biên soạn; Jerusalem: E. Rubinstein’s Pub.  House, 1978), 119−39.  Cũng như Dennis Pardee, “Ugaritic and Hebrew Metrics,” trong Ugarit in Retrospect: 50 Years of Ugarit and Ugaritic (G. D. Young chủ bút; Winona Lake, IN: Eisenbrauns, 1981), 113-30.  Đọc thêm Hans Kosmala, “Form and Structure in Ancient Hebrew Poetry: A New Approach,” trong Poetry in the Hebrew Bible: Selected Studies from Vestus Testamentum (David E. Orton chủ bút; Boston: Brill, 2000), 423−45.  Đồng một quan điểm: Johannes C. de Moor, Dennis Pardee, Hans Kosmala, James Kugel, Micheal O’Connor, và nhiều học giả khác.
[8] Đồng quan điểm, Michael P. O’Connor, Hebrew Verse Structure (Winona Lake, IN: Eisenbrauns, 1980), 138.  Cũng như, James L. Kugel, Idea of Biblical Poetry: Parallelism and its History (New Haven: Yale University Press, 1981), 141.
Daniel Hoàng, Ph.D.

Spread the word. Share this post!

error: Content is protected !!